THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:36

Nghề công tác xã hội đang phát huy thế mạnh tại Quảng Ninh

.Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.337 người nghiện ma túy, 3.036 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 21.443 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 4.248 hộ nghèo cần được hỗ trợ, nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống, người tâm thần. Tất cả những đối tượng trên đều thuộc nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội đang cần sự quan tâm của Nhà nước, trợ giúp của cộng đồng và xã hội.

Sau 9 năm triển khai, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng.

Nghề công tác xã hội – nhu cầu ngày càng tăng tại Quảng Ninh - Ảnh 1.

Nhân viên Cơ sở Bảo trợ và Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh chăm sóc trẻ là nạn nhân bị bán qua biên giới

Quảng Ninh có khoảng 2.000 cộng tác viên công tác xã hội tại thôn, bản, khu phố; chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sở Lao động Thương binh và Xã hội rất chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ làm công tác xã hội. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề, nội dung của hoạt động công tác xã hội. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm Sở đều mở 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề công tác xã hội cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên… hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các học viên đã được thực hành, vận dụng trực tiếp một số tình huống cụ thể và đưa ra các ví dụ thực tế trong quá trình làm việc để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nghề công tác xã hội – nhu cầu ngày càng tăng tại Quảng Ninh - Ảnh 2.

Thảo luận nhóm kỹ năng tìm kiếm việc làm cho người khiếm thính.

Từ năm 2018 Sở đã mở nhiều lớp truyền thông tư vấn, tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ cấp thôn, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh theo Đề án trợ giúp người khuyết tật; hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; công tác giảm nghèo cho đội ngũ trưởng thôn (bản, khu phố)... tại 11 địa phương. Từ đó góp phần nâng cao năng lực, sự đoàn kết, chia sẻ trong hoạt động công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền tại cơ sở.

Năm 2010, để cụ thể hóa Đề án phát triển nghề công tác xã hội với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm công tác xã hội tỉnh với nhiệm vụ cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ xã hội đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng. Từ đó đến nay, Trung tâm công tác xã hội đã nghiên cứu, hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua hệ thống văn phòng công tác xã hội tại các huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội. Riêng tổng đài miễn phí 18001769 đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi với nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều đối tượng có nhu cầu tư vấn, cung cấp thông tin đã được đáp ứng.

Trung tâm cũng tăng cường thực hiện mô hình cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình trợ giúp trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật trong và sau giáo dưỡng... Qua đó, trẻ có được môi trường sống tốt hơn, có điều kiện để hoà nhập và phát triển toàn diện hơn, góp phần ngăn cản các nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ.

Bằng sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc và nỗ lực của các ngành chức năng và sự nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn, nghề công tác xã hội đã ngày càng phát triển, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.


PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh