THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:53

Trọn cả cuộc đời yêu chiêng và truyền dạy miễn phí đánh cồng chiêng

Ngôi nhà sàn ấm cúng của già A Biu với những nét đặc trưng văn hoá dân tộc Ba Na, tường được treo kín bằng những bộ cồng chiêng . Già A Biu có đặc điểm, không cần biết vị khách đó là ai, gặp hay chưa, giàu hay nghèo,…miễn thích cồng chiêng thì sẽ trở thành bạn thân. Bởi, tiếng cồng chiêng đã ngấm vào máu của ông từ lúc 5 tuổi khi được cha mình truyền dạy. 17 tuổi, trong những dịp lễ hội ở bản làng đều có tiếng cồng chiêng của chàng thanh niên người mảnh khảnh, gầy gò tên A Biu.

Trọn cả cuộc đời yêu chiêng và truyền dạy miễn phí cách đánh cồng chiêng - Ảnh 1.

Bộ chiêng Klang Brông được già A Biu để ở vị trí trang trọng

Thấy già A Biu, tôi khen bộ chiêng treo trang trọng giữa nhà. Máu yêu chiêng nổi lên, già A Biu kể: Anh tinh mắt đấy, bộ chiêng này quí lắm, tôi mua từ thị xã An Khê (Gia Lai). Hồi đó năm 2009, gia đình nghèo lắm, tôi lén bán con bò duy nhất giá 7 triệu đồng để tranh mua với một dân chơi đồ cổ. Vì, giai đoạn này nhiều dân săn đồ cổ truy lùng cồng chiêng lắm, nếu mình không mua để giữ lại thì người Ba Na không còn cồng chiêng cổ nữa. Bộ chiêng này tên Klang Brông (nghĩa là đại bàng), có 12 lá, chiêng mẹ dày, nặng 11kg được gò bằng đồng với hình cánh chim đại bàng trên mặt chiêng. 10 năm trôi qua, đến nay mình đã sưu tập được 12 bộ chiêng quí.

Trọn cả cuộc đời yêu chiêng và truyền dạy miễn phí cách đánh cồng chiêng - Ảnh 2.

Ngoài biết đánh cồng chiêng, già A Biu còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác

Theo già A Biu, cồng chiêng tốt khi đánh tiếng nghe kêu rung đều, trong, vang xa. Tùy từng bài, cảm xúc của người đánh mà thanh âm cũng bay bổng theo. "Theo tôi, tiếng cồng chiêng hay phải đánh bằng cảm xúc từ con tim. Như bài truyền thống dân tộc thì lúc đánh hãy nhớ về lịch sử hào hùng, bài tình cảm đôi lứa thì lúc thể hiện hãy nhớ về một người con gái mình thương. Chắc chắn cồng chiêng hiểu lòng người mà phát ra âm vang truyền cảm"- Già A Biu chia sẻ.

Thuần thục kỹ năng đánh cồng chiêng năm 30 tuổi, nhưng khi hỏng chàng thanh niên A Biu luôn phải gùi đi cả bộ hàng chục cây số chỉnh âm. Quyết tâm học chỉnh tiếng cồng chiêng khơi dậy. Đam mê cộng năng khiếu, chỉ 3 năm học chỉnh cồng chiêng từ những già làng vùng khác, giờ ông đã là thợ "nắn âm thanh" nổi tiếng cả thành phố Kon Tum. "Chỉnh cồng chiêng không khó nhưng chỉ những người yêu nó mới chỉnh được tiếng. Yêu thì mới biết dùng búa gõ vị trí nào thì sẽ có tiếng vang, gõ chỗ nào sẽ ra tiếng rền"- Già A Biu nói. Với già A Biu, cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Vui đánh, buồn cũng đánh. Ông mong muốn tất cả lớp trẻ người Ba Na sẽ biết đánh cồng chiêng. Bởi theo ông, dù sau này có làm cô giáo, bác sĩ, công an thì những người biết đánh cồng chiêng cũng sẽ không bị cuộc sống bon chen làm quên đi cội nguồn, truyền thống, bản chất mộc mạc của người Ba Na.

Trọn cả cuộc đời yêu chiêng và truyền dạy miễn phí cách đánh cồng chiêng - Ảnh 3.

Những người thành thạo đánh cồng chiêng hàng chục năm mới có thể chỉnh được tiếng

Cô Đậu Thị Lan- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) bày tỏ: Thật may mắn trên địa bàn xã Ngọc Bay có già A Biu. Ông yêu văn hóa dân tộc mình. Vì vậy chúng tôi liên hệ, lên kế hoạch tập luyện vào những buổi chiều thứ 7, chủ nhật và sau buổi chiều cho các em được nghỉ học. Ngoài truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng, già A Biu còn kể những câu chuyện nói về cội nguồn, bản sắc người Ba Na. Miệt mài truyền dạy miễn phí cách đánh cồng chiêng, văn hoá cho học sinh các trường tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn xã Ngọc Bay đã hơn 6 năm qua. Đến nay, học trò của già A Biu đã có hàng trăm người. Ông nói rằng đó là công việc tuyệt vời nhất, sẽ làm đến khi không thấy mặt trời nữa.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh