THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:17

Gia Lai: Triển khai nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội có hiệu quả

Xác định công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy - mại dâm là việc làm hết sức quan trọng trong việc giữ gìn và ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ngành LĐ-TB&XH Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác này.

Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội được tỉnh xác định là giải pháp hàng đầu trong việc thực hiện chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm. Với phương châm “Phòng ngừa là chính”, Sở đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố đưa nội dung phòng, chống tệ nạn mại dâm vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã ngay từ đầu năm. Hướng dẫn các địa phương xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy mại dâm theo yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH. Cùng với đó là việc trao đổi thông tin với các tỉnh, thành trong toàn quốc để nắm chắc số người bán dâm có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai nhằm kịp thời hỗ trợ cho họ hòa nhập cộng đồng.

Hội nghị trực tuyến về TNXH ở Gia Lai.

Nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác này, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng, chống tệ nạn xã hội cho các đại biểu là cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, thị xã trong tỉnh. Các đại biểu được hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ và những chủ trương, chính sách, pháp luật, kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, mua bán người. Các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng tiếp cận đối tượng; quản lý trường hợp, tư vấn, kết nối, kỹ năng làm việc nhóm, huy động nguồn lực, truyền thông vận động. Qua tập huấn giúp cho các cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và tình nguyện viên có thêm kiến thức, nắm vững và vận dụng các kỹ năng vào việc tiếp cận, quản lý đối tượng tại địa phương.

Trước thực tế, các hoạt động tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến tinh vi hơn và phức tạp hơn, Gia Lai xác định xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm một cách đồng bộ là một trong những giải pháp quan trọng. Quá trình thực hiện công tác này luôn được gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm.

Năm 2015, tỉnh cũng duy trì và triển khai thành công mô hình thí điểm “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng” tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh. Xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng tại phường Thống Nhất (Pleiku) và phường Cheo Reo (Ayun Pa).

Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cấp, các ngành để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cũng được ngành triển khai thực hiện tốt. Trong năm Sở đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH triển khai mô hình xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm, gồm: Phường Ia Kring - Pleiku, phường Đoàn Kết - Ayun Pa, phường An Phú - An Khê, thị trấn Chư Sê - Chư Sê... Phối hợp với phòng Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Sở tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, tổ công tác cai nghiện ma túy, gia đình người nghiện về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy tại Chư Sê, Ayun Pa, An Khê, Kbang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Mang Yang, Pleiku. Phối hợp với nhà Văn hóa lao động, Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai tổ chức hội thi về tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy trong học sinh, người lao động năm 2015.

Nhờ vậy, năm 2015, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở Gia Lai đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tỷ lệ người vi phạm về mại dâm, ma túy, buôn bán người đã giảm đi đáng kể. Trung tâm Chữa bệnh giáo dục Lao động xã hội tỉnh đã quản lý, tiếp nhận 102 lượt học viên, giảm so với cùng kỳ - năm 2014 là  125 học viên. Trong đó đã có 72 học viên sau khi được chữa bệnh, học nghề đã tái hòa nhập cộng đồng.Tất cả các học viên khi vào Trung tâm đều được điều trị, chăm sóc sức khỏe, tư vấn giáo dục thường xuyên. Không những thế họ còn được tham gia lao động sản xuất cải thiện đời sống: Trồng rau xanh, chăm sóc cà phê, bời lời.

Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... vào các ngày lễ, tết. Trung tâm đã làm tốt công tác tư vấn, giáo dục hành vi nhân cách cho đối tượng từ đó đã hạn chế được việc gây rối làm mất an ninh và bỏ trốn khỏi trung tâm. Công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho đối tượng kịp thời, thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo đúng quy định.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân về tệ nạn mại dâm, ngành sẽ tổ chức hoạt động của Đội 178 kiểm tra, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo an ninh trật tự về tạm trú, tạm vắng nhất là ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mại dâm. Tập trung tập huấn, hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

THU HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh