THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Kiên Giang: Tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội

 

Nhằm xây dựng môi trường trong sạch, không có tệ nạn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thời gian qua, Sở LĐ – TB&XH triển khai nhiều giải pháp rất hiệu quả. Xác định rõ, tuyên truyền vận động có vai trò rất quan trọng, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn, tuyên truyền 4 lớp cho khoảng 400 đại biểu ở địa bàn 4 xã, phường gồm: Xã Đông Thái, Huyện An Biên; Xã Bình Sơn, Huyện Hòn Đất; Xã Bàn Thạch, Huyện Giồng Riềng và Phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá. Đối tượng tham dự tập huấn là các thành viên BCĐ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã; lãnh đạo ấp, khu phố và Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản.Các đại biểu được tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch của liên Bộ liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Các chuyên đề: Những vấn đề cơ bản về tệ nạn ma túy; Công tác phòng, chống ma túy; Công tác chữa bệnh điều trị cai nghiện phục hồi, dạy nghề tạo việc làm, quản lý sau cai nghiện; Những nội dung cơ bản trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và mua bán người. Thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và một số văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống mua bán người.  

            Cùng với đó, Sở LĐ-TB&XH còn triển khai chương trình phối hợp với các đơn vị, đoàn thể, các Trường Cao Đẳng trong tỉnh về tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Ngày 14/5/2015, Trường Cao đẳng Y Tế Kiên Giang tổ chức Sân chơi “Tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm” cho hơn 300 là học sinh, sinh viên đang học tập tại trường.Qua Sân chơi đã tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho thanh niên trong học đường chấp hành pháp luật phòng, chống mại dâm, ma túy; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ, chỉ tiêu của tỉnh về phòng, chống ma túy, mại dâm.

            Song song với các hoạt động như tuyên truyền, vận động, tập huấn, hội thảo, tỉnh Kiên Giang còn tích cực triển khai hoạt động xử lý đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú đi cai. Ngày 15/5/2015, UBND tỉnh Kiên Giang ký ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND, “Tiếp nhận, quản lý, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) tỉnh, trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”. Trước đó, từ năm 2014 đến hết quý I/2015, Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnhkhông tiếp nhận thêm bất kỳ đối tượng bắt buộc nào vào cai nghiện ma túy theo Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở bắt buộc. Trong khi đó, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh có khoảng 869 số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Thêm vào đó dự báo tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trong thời gian tới diễn biến phức tạp, số lượng lớn người sử dụng heroin qua tiêm chích thì số người sử dụng các chất ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng trong nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, đặc biệt là số người nghiện ma túy từ các tỉnh, thành phố khác và người lang thang không có nơi cư trú ổn định đến tỉnh Kiên Giang vi phạm có xu hướng gia tăng.

            Thực hiện đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Kế hoạch số 51/KH-UBND tỉnh là phương án giúp giải quyết được những tồn tại trong công tác cai nghiện hiện nay và góp phần giảm bớt những bất ổn về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, tất cả các quy định trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đều thực hiện theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ khác ở điểm, việc tiếp nhận, quản lý các đối tượng nghiện ban đầu không phải là giao cho tổ chức xã hội (theo Điều 14 Nghị Định 221/2013/NĐ-CP) mà là giao cho Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh sẽ sử dụng một phần cơ sở vật chất và nhân sự tại Trung tâm để làm đầu mối tiếp nhận và thực hiện việc quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian người nghiện tập trung tại đây, sẽ tiến hành lập hồ sơ để TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, Kế hoạch giải quyết được vấn đề vướng mắc vì phải chờ đợi quyết định của TAND cấp huyện xem xét, giải quyết nên bị “tồn đọng” người nghiện ma túy tại cộng đồng trong suốt thời gian dài.

Duy Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh