CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:23

“Trái tim là thông tư, lòng dân là hồ sơ gốc”

 

Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí - Tổ trưởng  Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng của Trung ương


* Mặc dù chỉ còn một bộ phận nhỏ người có công (NCC) chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, nhưng vấn đề tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận NCC đã kéo dài nhiều năm và được dư luận quan tâm.Vậy Quyết định 408 đã tháo gỡ những vướng mắc như thế nào, thưa ông?

- Đã nói là tồn đọng có nghĩa nó có nhiều vướng mắc trong đó mới tồn đọng. Nếu hồ sơ mà trong đó đã đủ điều kiện và đáp ứng các yêu cầu về thủ tục rồi thì không phải tồn đọng nữa. Vướng mắc lớn nhất trong hồ sơ tồn đọng đó là điều kiện và thủ tục. Không có hồ sơ gốc đó chính là thủ tục.

Về nguyên tắc, điều kiện để công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là  không đổi. Đó là những người trực tiếp chiến đấu, hoặc phục vụ chiến đấu. Nhưng vấn đề lớn nhất ở Quyết định 408 là phải  thực sự vận dụng một cách thấu tình, đạt lý, phải có quan điểm lịch sử cụ thể, xem xét từng trường hợp cụ thể, đồng thời phải kiên quyết tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin để chứng minh người đó đủ điều kiện để công nhận NCC hoặc là không.

Vì vậy yêu cầu thứ nhất, quá trình vận dụng xem xét hồ sơ, thủ tục người cán bộ chính sách phải tận tâm, tận tụy khai thác mọi nguồn thông tin để bổ sung cho hồ sơ, lấp những cái thiếu trong hồ sơ.

Thứ hai, phải thật sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, trước hết là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, những người tham gia hoạt động kháng chiến, người dân trong xóm, đặc biệt các bác cao niên trong xóm nói về trường hợp này như thế nào. Ý kiến người dân rất trung thực và trách nhiệm, người ta biết đến đâu nói đến đó. Phải chắt chiu từng thông tin.

Thứ 3, phải công khai. Đây là hình thức phát huy dân chủ. Không chỉ công khai ở cấp phường, xã, huyện, tỉnh mà còn đăng thông tin các hồ sơ trên phương tiện thông tin đại  chúng để công khai cả ở Trung ương. Không chỉ lắng nghe tiếp nhận thông tin tại chỗ, phạm vi trong tỉnh mà cả nước. Tất cả những ý kiến đó được tiếp thu, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ một cách khách quan thấu lý đạt tình trước khi quyết định.

 

Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng của Trung ương kiểm tra hồ sơ tại Thái Bình.


 * Khó khăn nhất trong giải quyết hồ sơ tồn đọng là gì, thưa ông?

- Không có hồ sơ gốc đầy đủ và chúng ta phải bổ sung cái đó bằng các biện pháp như tìm kiếm thông tin, gặp gỡ người dân, lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm. Họp trực tiếp lắng nghe ý kiến nhân dân đó là cái nguồn thông tin cơ sở để xác nhận.  Khi  mới bàn về giải pháp giải quyết hồ sơ tồn đọng nhiều ý kiến góp ý với Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng nên xây dựng một thông tư mới. Nhưng không thể có một thông tư nào bao phủ được hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống được, vấn đề là phải làm bằng trái tim, cái tâm của mình, vận dụng tối đa mọi nguồn thông tin từ nhân dân. Tôi cho rằng trái tim là thông tư, phải làm bằng nhịp đập của con tim, còn lòng dân chính là hồ sơ gốc.

* Trước đây chúng ta cũng đã sử dụng việc 2 người làm chứng cho việc công nhận NCC, nhưng rồi phải dừng lại do hồ sơ khai man, giả mạo để trục lợi chính sách, nay lại mở ra liệu có lỏng lẻo không?

- Không có chuyện lỏng lẻo mà đó là sự vận dụng phù hợp với thực tế, và nó rất chặt chẽ. Những bài học Đảng dạy lấy dân làm gốc, dân chủ khách quan. Trong công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân NCC cần phải phát huy bài học đó. Từ thực tế cuộc sống đã chứng minh càng dân chủ, càng công khai, minh bạch thì càng ít sai sót. Không ai có thể qua mắt nhân dân được. Chủ trương của Đảng, Nhà nước kiên quyết không để NCC không được hưởng chính sách, người không có công lại được hưởng chính sách.

* Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn đất nước hiện nay, thưa ông?

- Dịp 27/7 vừa qua,  Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ, nhiều người xúc động đã khóc, trong đó có cụ hơn 80 tuổi ở Vĩnh Long, đã khóc vì từ đây chồng của cụ chính thức được công nhận là có NCC với đất nước.

Nếu không có NCC với cách mạng thì chúng ta không có ngày hôm nay. Việc công nhận NCC với họ không chỉ là niềm tự hào riêng của gia đình mà còn là sự giáo dục, nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ nối tiếp để gìn giữ Tổ quốc. Qua đó, người dân cũng thấy chính sách rất công bằng, ai có công sẽ được đền đáp.

* Xin cảm ơn ông.


Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước còn khoảng trên 30.000 trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận NCC, trong đó 5.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC. Đến 30/6/2017 các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ. Bộ LĐ-TB &XH đặt mục tiêu đến hết năm 2017 sẽ giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh và thuộc lực lượng Quân đội, Công an. Đồng thời, Bộ LĐ-TB &XH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh.

 

Cả nước có khoảng trên 9 triệu lượt người được hưởng chính sách ưu đãi NCC, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng... Từ 2007 đến 2016, tổng kinh phí trợ cấp là 133.306 tỷ đồng, trong đó kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỷ đồng, kinh phí trợ cấp 1 lần khoảng 12.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương hàng năm dành cho công tác NCC bình quân khoảng 2000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, NCC còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hoá, nhà ở, việc làm, tín dụng...


NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh