Trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân 498 liệt sĩ
- Tây Y
- 04:21 - 19/07/2017
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Mỗi người, mỗi ngành cần làm tốt công tác chăm lo người có công"
Đến dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng toàn thể lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể…Đặc biệt tham dự buổi lễ còn có thân nhân các liệt sĩ.
Không để người có công nào không được hưởng chính sách
Báo cáo về công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn. Từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 05 địa phương. Kết quả đợt thí điểm tại 05 tỉnh trong vòng gần 06 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trao bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an. Tính đến ngày 30/6/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ chúng ta đã xác nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 498 liệt sĩ.
“Trong số công nhận liệt sĩ hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ; các cụ Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét, công nhận...”- Bộ trưởng chia sẻ.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ
Vỡ òa hạnh phúc ngày Tổ quốc ghi công
Là con của liệt sĩ Nguyễn Quang Rực – người được tôn vinh là liệt sĩ và được nhận bằng Tổ quốc ghi công ngày hôm nay, ông Nguyễn Quang Rướng chia sẻ, năm 1936, bố ông bắt đầu hoạt động trong phong trào thanh niên. Giác ngộ tinh thần cách mạng, năm 1944, bố ông được kết nạp vào Đảng. Năm 1945, ông được phân công làm Chủ nhiệm cách mạng lâm thời đầu tiên của xã Tràng Lũ ( nay là xã Tràng An), huyện Quỳnh Phụ,Thái Bình. Đến năm 1949, ông được điều động phụ trách trạm công binh Đông Quỳnh Phụ và ông được cử làm Trưởng ban tuyên truyền dịch vận huyện Phụ Dực. Đêm ngày 21/3/1951, ông được phân công vận động quần chúng bám đất, rào làng kháng chiến khi bị địch tổ chức trận càn Ma đờ ri. Lúc này, Ủy ban kháng chiến Phụ Dực sơ tán về An Dực. Bố ông đã bị phục kích bắn chết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình
“Anh em tôi luôn tự hào với sự hy sinh của bố và luôn cố gắng phát huy truyền thống của gia đình. Anh trai tôi là liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Bản thân tôi cũng là sĩ quan quân đội, thương binh 3/4 . Bà nội tôi cũng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Tự hào về truyền thống gia đình, nhưng nỗi khắc khoải chờ đợi ngày Tổ quốc ghi công bố tôi đã đi cùng gia đình trong 66 năm qua. Hôm nay gia đình tôi rất vinh dự tự hào khi nhận được tấm Bằng Tổ quốc ghi công đối với sự hy sinh của bố tôi. Bên cạnh Bằng bà mẹ Việt Nam anh hùng của bà nội, bằng Tổ quốc ghi công của 2 chú và anh trai, nay gia đình lại có thêm bằng của bố tôi. Đây vinh dự lớn đối với cả gia đình” – ông Rướng nghẹn ngào xúc động nói.
Ông Nguyễn Quang Rướng là con của liệt sĩ Nguyễn Quang Rực
Có mặt từ rất sớm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Nam, quê ở Tuần Giáo, Điện Biên – con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thành (tức là Hường) xúc động kể, năm 167, trong lần đi thực hiện nhiệm vụ do đơn vị cử đi thì bố tôi bị máy bay Mỹ oanh tạc và bị trúng bom của địch. Lúc ấy tôi mới tròn 6 tuổi. Sau khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tri ân người có công nhưng vì điều kiện nên gia đình không thể đi làm giấy tờ đề nghị xác nhận người có công được cho ông được.Dù vậy chưa bao giờ mọi người trong nhà nản lòng, gia đình vẫn lạc quan tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và việc thực thi chính sách của các cơ quan chức năng sẽ có một ngày Tổ quốc ghi công sự hy sinh của bố tôi.
“Hôm nay trong không khí Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sĩ đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Gia đình rất xúc động trước sự tri ân của Đảng, Nhà nước đối với những người đã hy sinh cho tổ quốc, cho đất nước như bố tôi. Hiện nay một số gia đình vẫn chưa nhận được Bằng Tổ quốc ghi công, nhưng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước của các Bộ, ngành những người nhân chứng thực sự để những người có công thật sự sẽ được đền đáp công ơn sớm nhất” – anh Nam chia sẻ.
Cách làm sáng tạo
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước bày tỏ sự xúc động, lòng biết ơn vô hạn đối với những mất mát, hi sinh của thân nhân các liệt sĩ. Đồng thời khẳng định, hệ thống chính sách về người có công được ban hành, bổ sung thường xuyên và ngày càng được mở rộng cả về đối tượng thụ hưởng, chế độ hưởng, đồng thời cũng tăng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ta luôn quan tâm để dành nguồn lực thỏa đáng, các địa phương tích cực triển khai thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ chính sách và kịp thời. Việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành.
Các đại biểu tham dự
Tuy nhiên, điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay là vẫn còn một số lượng không ít những người có công còn chưa được xem xét công nhận do không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc hiện cũng không còn… Hiện nay cả nước còn khoảng trên 3 vạn trường hợp kê khai nhưng chưa xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Để xem xét xác nhận đối với những trường hợp này là rất khó khăn, phức tạp, cần phải hết sức thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội.
Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều nỗ lực, cách làm sáng tạo với quy trình xem xét, thẩm định hồ sơ chặt chẽ, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân đã xác nhận được hàng trăm liệt sĩ, hàng nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành LĐ-TB&XH cần phát huy kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng người có công không để người hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc chưa được xác nhận là người có công. “Mỗi người, mỗi ngành hãy làm tốt hơn nữa công tác chăm lo người có công, coi đó là trách nhiệm, tình cảm vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.