Trà Vinh: Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào Khmer
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:57 - 27/12/2016
Ông Dương Quang Ngọc – Phó giám đốc Sở LĐ – TB & XH tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm qua tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án, giải pháp để giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Bên cạnh những chương trình như cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; giải quyết về đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ về y tế, giáo dục thì phải kể đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh coi việc tăng cường đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động đồng bào dân tộc Khmer me là một trong những nội dung quan trọng của Đề án giảm nghèo bền vững. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2006, Chủ tịch UBMD tỉnh Trà Vinh đã ký duyệt Dự án dạy nghề cho lao động nông thôn và thanh niên dân tộc thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo, với tổng kinh phí 1.600 triệu đồng. Dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tại huyện Trà Cú, địa phương có gần 45.000 hộ với hơn 186.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 61% dân số, lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 76% đa phần sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm truyền thống, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn (đa phần là đồng bào dân tộc Khmer), những năm qua huyện Trà Cú đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác dạy nghề cho người lao động. Từ đó huyện đã mở các lớp dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhu cầu đều được học nghề phù hợp. Những lao động sau khi được học nghề, huyện tạo điều kiện cho họ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nhờ được tập huấn về kỹ thuật, nhiều nông dân Khmer đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng bắp giống lợi nhuận cao
Tuy số vốn vay không lớn, chỉ đủ mua một con bò, hay mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho một vụ trồng lúa, màu, nhưng nhờ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích , áp dụng đúng quy trình, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, có thể khẳng định rằng sau khi được học nghề, nhiều học viên đã biết ứng dụng một cách hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò vỗ béo, trồng màu chuyên, luân canh trên đất lúa…Có thể nói, khi người nông dân nói chung, nông dân Khmer nói riêng được học nghề nông nghiệp, được tập huấn hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư một cách thường xuyên thì hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trước lúc chưa được học nghề, tập huấn..