Trà Vinh: Nhân rộng mô hình nuôi vịt biển
- Huyệt vị
- 04:40 - 23/12/2016
Tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, năm 2015 bằng nguồn vốn địa phương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình nuôi vịt biển thích ứng với biến đổi khi hậu. Đây là mô hình nhằm đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi trên bờ biển để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Qua đó, giúp cho người chăn nuôi vừa chủ động trong chăn nuôi, vừa thích ứng với sự biến đổi khi hậu ngày càng diễn ra phức tạp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Tất cả các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 100% tiền mua con giống và 30% thức ăn hỗn hợp theo từng giai đoạn nuôi vịt. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, các hộ thực hiện mô hình và nông dân chăn nuôi trong vùng sẽ được giới thiệu về ưu điểm của giống vịt biển 15 – Đại Xuyên (do Viện Chăn nuôi quốc gia nghiên cứu và chọn tạo), tập huấn kỹ thuật tiêm phòng bệnh trong suốt giai đoạn nuôi vịt thương phẩm, vịt đẻ trứng.
Vịt biển là giống thủy cầm có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở nhiều môi trường từ nước ngọt, nước lợ đến nước mặn nên có thể nuôi tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Theo một số hộ đã và đang thực hiện mô hình, chăn nuôi loại vịt biển không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có thể tận dụng nguồn thức ăn trong thiên nhiên giàu dưỡng chất, vì vịt có khả năng săn mồi rất tốt. Sau 4 tháng nuôi, vịt trống đạt trọng lượng từ 3 kg – 3,2 kg/ con; vịt mái đạt trọng lượng từ 2, 7 kg – 2,9 kg/ con. Vịt thương phẩm trung bình bán con trống với giá 42.000 đồng/ kg, trừ mợi chi phi cũng có lợi nhuận khoảng 40.000 đồng/ con. Vịt mái, sau 115 ngày bắt đầu đẻ trứng và suốt chu kỳ đẻ trứng đạt tỷ lệ khoảng 91 % /đàn vịt, trứng bán ra với giá 2.500 đồng/ trứng, trừ chi phí người chăn nuôi có lời 1.000 đồng /trứng.
Cán bộ Trung tâm KN - KN tỉnh thăm hộ đang tham gia thực hiện mô hình nuôi vịt biển ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh, là một tỉnh ven biển, tiếp giáp 2 cửa sông chính là Cổ Chiên và An Đinh, đến mùa xâm nhập mặn bị mặn bao vây rất nhiều diện tích. Chính vì thế, việc triển khai thực hiện mô hình nuôi vịt biển đối với nông dân trong vùng là rất thích hợp. Từ đâu năm 2016, UBND tỉnh Trà Vinh đã tiếp tục phê duyệt nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng, giao Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng mô hình trình diễn nuôi vịt biển trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cho thấy vịt biển trong quá trình nuôi tăng trọng nhanh hơn giống vịt địa phương từ 10 – 15 % và với độ nước mặn 15% vịt biển vẫn phát triển tốt, đó cũng chính là một ưu điểm nổi bật của giống vịt biển 15 – Đại Xuyên. Hiện nay, mô hình này đang được nhiều nông dân lựa chọn và nhân rộng ở Trà Vinh.