TP. Cần Thơ tập trung tạo việc làm, giảm nghèo bền vững
- Bài thuốc hay
- 00:41 - 23/01/2015
Để đạt được những kết quả trên, theo ông Đào Anh Dũng,Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ: “Việc đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn trong năm qua đã được chú trọng triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, việc xây dựng các mô hình dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề xuất hiện nhiều cách làm hay, đang được đúc rút nhân rộng”.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch TP.Cần Thơ, việc đưa lao động đi làm việc nước ngoài còn thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nguyên nhân là do chưa tạo được nguồn lao động đáp ứng kịp thời các đơn hàng tuyển dụng. Bên cạnh đó, chất lượng lao động, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm và phục vụ xuất khẩu lao động.
Các ngành nghề đào tạo chủ yếu vẫn là các nghề phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, chưa phát triển mạnh các nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực tuyển sinh học nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề tiếp tục gặp nhiều khó khăn chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra.
Bí thư Thành ủy Trần Thanh Mẫn tặng Huân chương Lao động cho cá nhân và tập thể.
Trao đổi về vấn đề này, theo ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết: “Một số nghề không tuyển được người học như: hàn, may thời trang, chế biến thực phẩm. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học của các cơ sở dạy nghề chưa phong phú, thường xuyên chưa thật sự có nhiều thông tin cho HS-SV về nhu cầu tuyển dụng, nơi tuyển dụng để hỗ trợ tốt việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc làm trái nghề của người lao động sau khi học nghề, nhất là ở trình sơ cấp nghề còn phổ biến”.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.Cần Thơ cho biết, năm 2014 Trung tâm đã tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho 63.340 lượt người, thực hiện kết nối việc làm cho 5.990 lao động, cung ứng 130 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo nghề và kỹ năng cho 4.676 lượt lao động.
Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin cung – cầu lao động của 3.917 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, với tổng số 58.694 chỗ việc làm trống và 16.707 nhu cầu tìm việc của người lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng và đặt hàng dạy nghề cho 5.285 lao động nông thôn, trong đó dạy nghề phi nông nghiệp là 3.850 người (chiếm 72,84%), dạy nghề nông nghiệp là 1.435 người (chiếm 18,16%).
Các Huyện ký kết thi đua khen thưởng.
Về những nhiệm vụ năm 2015, Giám đốc sở LĐ-TB&XH Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho biết: “Sẽ tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu việc làm - dạy nghề thành phố. Rà soát và có giải pháp căn cơ để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành, chú trọng 3 chỉ tiêu: dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo.
Chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Ất Mùi cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ, không để xảy ra sơ suất. Sở LĐ-TB&XH thành phố sẽ phối hợp với các ngành liên quan xem xét hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng nhà tình nghĩa.
Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; tập trung công tác giảm nghèo, chú trọng nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; đảm bảo nguồn vốn vay, giúp người nghèo vươn lên… góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Trần Thanh Mẫn yêu cầu: Trung tâm dịch vụ việc làm cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện qui chế chuyên môn, quản lý, sử dụng tài chính về dạy nghề, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, ngành LĐ-TB&XH cần tập trung rà soát lại các cơ sở dạy nghề đã có quyết định thành lập, đăng ký hoạt động dạy nghề nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả để dần củng cố, hoàn thiện mạng lưới cơ sở dạy nghề...
Theo Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, năm 2014 toàn ngành đã giải quyết việc làm cho 51.090 lao động(đạt 102,18% kế hoạch). Các cơ sở dạy nghề đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 38.050 người(đạt 100,13% kế hoạch). Trong đó,cao đẳng nghề 1.020 người, trung cấp nghề 1.192 người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 35.838 người. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động đang làm việc lên 50,07%. |