THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:19

Giúp nông dân học nghề để giảm nghèo bền vững

Báo cáo của Hội Nông dân cho biết: Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội nông dân cả nước tổ chức tuyển sinh, dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên hơn 34.000 lớp với gần 1 triệu người tham gia; vận động nông dân tham gia học nghề gần 89.000 buổi với hơn 10 triệu lượt người. Tư vấn miễn phí hơn 5 triệu lượt nông dân tham gia học nghề, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất kinh doanh; phối hợp xây dựng 437 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi...

Lao động nông thôn tỉnh Hải Dương học nghề may

Việc dạy nghề đã tập trung hướng vào việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trangg trại, gia trại, kinh tế hợp tác, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh đạt tiêu chuẩn Việt GAP. Ở nhiều vùng nông dân sau học nghề, áp dụng kiến thức vào sản xuất có hiệu quả cao hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, một số hộ đã tổ chức sản xuất lớn, vươn lên làm giàu.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, công tác dạy nghề ở địa phương thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn, nhất là thay đổi nhận thức của lao động là đồng bào dân tộc ít người về vị trí, vai trò của đào tạo nghề trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Đến nay tỉnh Lai Châu đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 40% vào năm 2011 hiện chỉ còn 27,22% hộ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết: “Hai năm đầu triển khai, địa phương gặp rất nhiều lúng túng. Sau đó, chúng tôi quyết định phải điều tra kỹ nguyện vọng, sở thích của các hộ tại các xã, rồi mới quyết định mở các lớp dạy nghề”.

Theo ông Phong, để dạy nghề có hiệu quả, việc tuyên truyền phải được chú trọng, tạo nhận thức người nông dân hiểu biết nội dung của Chương trình 1956, được hưởng những ưu đãi gì, lựa chọn học nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm như thế nào? Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án, giáo viên giảng dạy... cũng phải đầy đủ rồi mới tiến hành mở lớp đào tạo nghề.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề LĐNT thời gian qua  của Hội Nông dân các cấp cũng bộc lộ một số hạn chế như: Một số tỉnh, thành hội chưa có trung tâm dạy nghề, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu; Quy mô và hình thức dạy nghề còn hạn chế so với nhu cầu thực tiễn của nông dân, hình thức dạy nghề còn đơn điệu, chưa phong phú. Việc giới thiệu việc làm, hỗ trợ nông dân phát triển kinh doanh sau học nghề còn hạn chế; một số Hội Nông dân tỉnh, thành chưa vào cuộc ký kết nghị quyết liên tịch với Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT...

Ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về công tác dạy nghề cho LĐNT với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo ngành nghề và trình độ đào tạo theo hướng chuẩn hóa để thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân. Hàng năm các cấp hội tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của nông dân, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty xuất khẩu lao động để xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp...” 

Giai đoạn 2015-2020, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phấn đấu mỗi năm tổ chức dạy nghề cho hơn 200.000 người (trong đó trực tiếp dạy nghề cho khoảng 40.000 người, phối hợp tổ chức dạy nghề cho khoảng 160.000 người).Tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với các nghề nông, lâm, ngư nghiệp đạt hơn 95%, các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đạt trên 80%.

Hoàng Bách

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh