Tiền Giang: Giảm nghèo đa chiều, bền vững
- Tra cứu phẫu thuật
- 15:27 - 19/01/2015
Năm 2014, tỉnh thực hiện công tác giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu đề ra, vậy những nguyên nhân nào góp phần quan trọng đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 4,98% so với kế hoạch là 5,17%, thưa ông!
Ông Hồ Thanh Sơn. |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, người nghèo đã tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của nhà nước như: Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - lâm - ngư; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hỗ trợ cho học sinh – sinh viên...; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cuối năm 2014, toàn tỉnh có 22.643 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,98% so tổng số hộ toàn tỉnh (454.366 hộ); (so với năm 2013 giảm 1,34%); qua một năm thực hiện giảm nghèo đồng bộ toàn tỉnh thoát nghèo 6.386 hộ.
Các chế độ chính sách người nghèo tiếp cận trong năm cụ thể như: Trong 10 tháng đầu năm đã giải ngân cho 21.330 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất (5.239 lượt hộ nghèo) với tổng số tiền hơn 219,555 tỷ đồng; 915 lượt học sinh, sinh viên vay học tập với số tiền 6,661 tỷ đồng.
Nhìn chung, vốn cho vay được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận lợi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.
Thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo, tỉnh đã mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 95.267 người nghèo. Các huyện, cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 6.672 lao động nông thôn (trong đó có 1.052 người nghèo.
Bên cạnh đó tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách giảm nghèo, phổ biến những điển hình, mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện 19 mô hình sản xuất, chăn nuôi (5 mô hình sản xuất lúa, 13 mô hình nuôi dê an toàn sinh học, 1 mô hình nuôi gà an toàn sinh học) có 424 hộ tham gia, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Cải thiện sinh kế cho hộ nông dân nghèo ở huyện Tân Phú Đông.
Mô hình nuôi gà sinh học giúp người dân thoát nghèo.
Thực hiện xã hội hóa công tác giảm nghèo , huy động các nguồn lực thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân. Hội Cựu chiến binh phối hợp mở 11 lớp dạy nghề cấp huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức phong trào giúp phụ nữ giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới, ổn định cuộc sống; tiếp tục khai thác các nguồn vốn, nhất là vốn ủy thác ngân hàng chính sách Xã hội, vốn tín dụng tiết kiệm, vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (TCVM), vốn xoay vòng trong cán bộ, hội viên.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng phong trào giúp nhau làm ăn bằng nhiều hình thức thiết thực. Liên đoàn Lao động tỉnh nhân Tết Nguyên đán, đã tổ chức chương trình “Góp Tết với công nhân, viên chức lao động nghèo”...
Trong những năm qua, tỉnh luôn thực hiện vượt chỉ tiêu giảm nghèo đưa ra, vậy trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo gặp những thuận lợi hay những khó khăn vướng mắc gì cần tháo gỡ, thưa ông?
Trong những năm qua, chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo của tỉnh do địa phương tự đăng ký thực hiện. Vì vậy, đây là giải pháp giúp cho địa phương vận dụng khéo léo tìm ra các giải pháp cụ thể đảm bảo giảm nghèo được bền vững và hiệu quả.
Công tác điều tra, rà soát xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo có chuyển biến tích cực so với các năm trước. Thực hiện việc bình xét đúng quy trình, công khai, dân chủ và có sự tham gia của người dân, không chạy theo thành tích, phản ảnh đúng thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn... được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.
Trồng cây mãng cầu xiêm, hàng trăm hộ thoát nghèo mỗi năm.
Công tác huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo đã được các ngành, các cấp, các hội đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện và tạo được sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng như các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhất là trong công tác vận động “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng Mái ấm nông dân, nhà đồng đội, nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương... cho các hộ có khó khăn về nhà ở; vận động xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học,... và các nguồn vốn đầu tư giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện tỉnh còn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ như: Nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn lồng ghép và vốn vận động; ngân sách tỉnh chủ yếu đầu tư cho bảo hiểm y tế, điều tra, rà soát hộ nghèo; có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu mang tính hỗ trợ (chính sách y tế, giáo dục, nhà ở...) trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp (vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm).
Mặt khác, trong thời gian qua, chúng ta chấp nhận thực hiện việc mà chính bản thân ta không chấp nhận đó là mức chuẩn nghèo quá thấp, không sát và không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương.
Còn một số địa phương xây dựng kế hoạch thoát nghèo chưa đề ra được các dự án, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, chưa thực hiện được việc xã hội hóa công tác giảm nghèo như huy động các nguồn lực tại địa phương và cộng đồng, mà chủ yếu dựa vào các chính sách ưu đãi của nhà nước cho hộ nghèo, và để họ tự bơi là chính.
Công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân còn hạn chế, nên hiện còn một bộ phận hộ nghèo chủ quan, ỷ lại, trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước, của xã hội, thiếu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Còn nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; chưa ưu tiên phát triển các ngành nghề sẵn có ở địa phương để tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo.
Ranh giới giữa người cận nghèo và người nghèo rất nhỏ, các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo thì khá nhiều, như bảo hiểm y tế được hỗ trợ 100%, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về tiền điện..., trong khi đó, các hộ cận nghèo chỉ được hưởng rất ít chính sách. Chính điều này đang tạo nên tâm lý sợ thoát nghèo của các hộ nghèo hiện nay.
Thực hiện phương pháp giảm nghèo đa chiều, năm 2015,Tiền Giang có những chủ trương kế hoạch cụ thể như thế nào đảm bảo giảm nghèo được bền vững và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo trong thời gian tới?
Công tác giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, gắn với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, do đó các mục tiêu giải pháp giảm nghèo đề ra phải được thực hiện, kiên trì, trong cả hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, chạy theo thành tích mà phản ánh sai lệch tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương; các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình, phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo phải được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời; chính sách giảm nghèo cần thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng; cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách chương trình giảm nghèo bền vững, các địa phương phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, nguyện vọng của hộ nghèo để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, có hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện và xem xét nâng mức chuẩn nghèo cho phù hợp từng giai đoạn hoặc theo mức tăng trưởng xã hội trên cơ sở thực hiện chính sách đa chiều cho công tác giảm nghèo bền vững.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tuyên truyền, phổ biến các mô hình điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách. Qua đó làm hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.