THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:13

Huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị): Hỗ trợ các xã miền núi giảm nghèo nhanh, bền vững

Tính đến cuối năm 2011, tại 11 bản thuộc 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh có 285/368 hộ (1.589 nhân khẩu) nghèo, chiếm tỷ lệ 77%. Có những bản 100% hộ nghèo như bản Mít, Xóm Mới 2 (xã Vĩnh Ô). Mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4 triệu đồng/năm. Nguồn thu chủ yếu từ chăn nuôi nhỏ lẻ như lợn, trâu bò, gia cầm, một số cây trồng trong vườn, cây lâm nghiệp. Từ lâu, đồng bào chưa có thói quen phát triển nền kinh tế hàng hóa, chủ yếu tự cung tự cấp vì giao thương buôn bán với miền xuôi chưa được mở mang.

Tại đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, Vĩnh Linh đã đề ra 3 chủ trương lớn toàn khóa, trong đó có chủ trương giảm nghèo bền vững cho 11 thôn, bản các xã miền núi là nhiệm vụ quan tâm đặc biệt. Ngày 5/7/2012, UBND huyện Vĩnh Linh ban hành Quyết định số 1695 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỷ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô và giao cho Ban chỉ đạo phân công thành viên cùng nhóm liên quan chịu trách nhiệm huy động nguồn lực kết hợp với nguồn ngân sách huyện đầu tư, hỗ trợ giúp 11 bản thuộc 3 xã nói trên. Trong 11 bản được chọn đầu tư giảm nghèo bền vững, Vĩnh Ô có 8 bản, Vĩnh Khê 2 bản, Vĩnh Hà 1 bản.

Mục tiêu Đề án xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi  của huyện Vĩnh Linh là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương… Phải xúc tiến mạnh mẽ để thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm gấp 2 – 3 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện (khoảng 7 – 9%), 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến nhanh trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, chấm dứt tình trạng du canh du cư, đốt rừng làm rẫy.

Việc đầu tư xóa nghèo cho 11 bản có số hộ nghèo cao trở thành vấn đề cấp bách. Ban chỉ đạo của huyện chỉ đạo 11 nhóm trực tiếp đến 11 bản để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào về xây dựng cuộc sống, chính sách của Nhà nước đối với công tác giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ, đồng thời tìm hiểu nhu cầu cần đầu tư của hộ dân. Sự vào cuộc đồng bộ, khẩn trương, liên tục của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các địa phương trong huyện đã góp phần tạo ra một nhận thức mới cho đồng bào các xã miền núi, sự đầu tư bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. 

Trong 3 năm (2012- 2014), nguồn vốn huy động đầu tư cho 11 bản từ các nguồn được 1.828.300.000 đồng. Một số nhóm huy động đạt kết quả cao như nhóm hỗ trợ bản Mít, bản Xà Nin, bản Xà Lời, bản Thúc (xã Vĩnh Ô), bản Bãi Hà (xã Vĩnh Hà). Bằng hình đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào là các vật nuôi như dê, lợn, gia cầm; phân bón, xây chuồng trại; các loại cây: cao su, bơ, thanh long, chuối, cây lâm nghiệp, măng Bát Độ; giống lúa.

Nhóm hỗ trợ trao giống cây trồng cho người dân ở bản Xóm Mới 2 và bản Xà Nin của xã Vĩnh Ô

Hỗ trợ các bản xây dựng cơ sở hạ tầng, công cụ sản xuất như: Hệ thống nước sạch, sân bóng chuyền, sửa chữa lớp học mầm non, làm mới và tu sửa nhà ở, xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, làm đường điện chiếu sáng công cộng... Các nhóm công tác được ban chỉ đạo phân công còn hỗ trợ khám, cấp thuốc chữa bệnh, tặng quà cho đồng bào; tập huấn trồng lúa, trồng rừng, tập huấn sức khỏe sinh sản và phòng dịch bệnh cho nhân dân…

Đề án xóa nghèo bền vững cho 11 bản thuộc 3 xã miền núi mặc dù sự đầu tư, hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, 3 năm qua, các nhóm đã tích cực xoay xở huy động mọi nguồn lực, tổ chức bám địa bàn phụ trách để tuyên truyền, thăm hỏi động viên, nắm bắt tình hình thực trạng dẫn đến nghèo của nhân dân tại các bản. Từ đó, các nhóm đã xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí, triển khai đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình kinh tế góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi để bà con học tập. 

Nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ các nhóm đầu tư, hỗ trợ như: Nhóm hỗ trợ bản Xà Nin, bản Thúc, bản Mít (xã Vĩnh Ô), bản Bến Mưng (xã Vĩnh Khê), bản Bãi Hà (xã Vĩnh Hà). Hộ nghèo của 11 bản năm 2014 so với năm 2012 giảm 34 hộ. Bình quân mỗi năm giảm 11 hộ. Từ cuối năm 2011, tại 11 bản có 77% hộ nghèo, đến cuối năm 2014, tỷ lệ này chỉ còn lại 47,16%. Đặc biệt đã xóa hết các bản có 100% hộ nghèo, nhiều bản có số hộ nghèo giảm nhanh như bản Bến Mưng (Vĩnh Khê), bản Xóm Mới 1, bản Thúc (Vĩnh Ô). Thực tế đó chứng minh được ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và kinh tế - xã hội của Đề án giảm nghèo tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh . 

Sau 3 năm thực hiện Đề án xóa nghèo bền vững cho đồng bào miền núi, huyện Vĩnh Linh đã đạt được những kết quả mang tính tiền đề, mở ra cách nhìn nhận mới của các cơ quan, ban, ngành, các địa phương cũng như các nhóm công tác để tiếp tục có sự đầu tư, hỗ trợ đạt hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. 




Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh