THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:10

Tìm giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Hội nghị do Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp chủ trì, về phía các bộ, ngành có đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng hàng trăm đại biểu đến từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh và đại diện các trung tâm đào tạo nghề tham dự.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh 3 chủ đề "Đào tạo trình độ sơ cấp; Đào tạo thường xuyên và Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Trong đó, đa số các đại biểu đều chú trọng quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tìm giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội nghị.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người dân thoát nghèo

Theo báo cáo của Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, hết tháng 9/2019 đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người.

Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Các địa phương đã thống kê có gần 350 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các địa biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Cần đầu tư hơn đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: "Trong quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Trà Vinh còn gặp một số vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí. Để hoàn thành chỉ tiêu hàng năm tỉnh phải vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng hỗ trợ mới có kinh phí để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ việc thiếu kinh phí nên dẫn đến thiếu cơ sở vật chất... để đào tạo hiệu quả cho người lao động".

Đại biểu Nguyễn Duy Tuyên, phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Long An bày tỏ quan điểm: "Theo quy định công tác đào tạo nghề nông thôn là phải trên 80% có việc làm sau đào tạo, nhưng vì địa bàn Long An chủ yếu kinh tế là nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có việc làm mới đạt chỉ tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn một khó khăn lớn nữa là nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhiều nghề khi triển khai thì có rất nhiều người học nhưng không đủ kinh phí để đào tạo, đến khi có kinh phí thì người học lại không muốn theo học nữa".

Để đạt được mục tiêu đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021-2025, đa số các đại biểu đều cho rằng các địa phương cần xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương của Đề án để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tìm giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 3.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp phát biểu bế mạc hội nghị.

Qua các ý kiến của các đại biểu, Đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhận thấy Đề án do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch; kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề được đào tạo.

Kết luận hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo Phó Tổng Cục, thời gian tới cần có sự tăng cường tương tác giữa các địa phương và Tổng Cục để kết nối với nhau hơn cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm và khó khăn trong quá trình thực hiện đề án.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng, nếu không có chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chắc chắn rằng tiêu chí về tỷ lệ lao động và tiêu chí tăng thu nhập cho người nông thôn rất khó có thể đạt được.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, đào tạo nghề phát triển hợp tác xã...


XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh