HUYỆN PHÚ HÒA (PHÚ YÊN): Khảo sát kỹ nhu cầu học nghề, việc làm trước khi mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 21:23 - 29/08/2019
- Bình Dương: Hiệu quả với mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng
- TP.HCM sẽ xây thêm 12 trường dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
- Trà Vinh: Tăng cường công tác dạy nghề cho người nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Cần Thơ: Nhân rộng mô hình dạy nghề tạo việc làm hiệu quả
- Người cựu binh Trường Sơn dạy nghề miễn phí cho con em chính sách
Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đều được Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát kỹ nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề trước khi mở lớp nên hầu hết người lao động sau khi học nghề nông nghiệp đều biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đối với học viên học nghề phi nông nghiệp, Trung tâm liên kết với doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, sau khi hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ nghề và nhận học viên vào làm việc.
Trong 9 lớp nghề được mở trong 6 tháng đầu năm 2019 có 3 lớp nghề nông nghiệp, gồm 70 học viên, đạt 77,78% kế hoạch năm. Các nghề nông nghiệp đều gắn với điều kiện sản xuất đặc thù về cây trồng và chăn nuôi tại mỗi vùng ở địa bàn dân cư gồm các nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho Gà, Vịt và Nghề sản xuất lúa giống ở xã Hòa Quang Bắc; Nuôi và phòng trị bệnh cho Trâu, Bò ở xã Hòa Định Đông. Các học viên tham gia học nghề nông nghiệp đều nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật trong canh tác cây trồng, vật nuôi, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của hộ gia đình mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi.
7 lớp nghề phi nông nghiệp có 142 học viên, đạt 78,5% so với kế hoạch năm. Đó là các nghề: May công nghiệp ở xã Hòa Định Tây, Hòa Thắng, Hòa Trị và Hòa An; Điện dân dụng ở thị trấn Phú Hòa và xã Hòa Hội; Kỹ thuật làm bánh Âu - Á tại xã Hòa Hội. Các lớp nghề thường xuyên như: Điện dân dụng, Kỹ thuật làm bánh Âu - Á, các học viên sau khi học xong đều tự tạo được việc làm tại địa phương, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Đối với các lớp may công nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã liên kết với doanh nghiệp may gia công tổ chức mở lớp dạy nghề tại cơ sở thôn, sau khi học viên hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ nghề, nếu có nhu cầu làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận vào làm việc.
Anh Nguyễn Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Hòa đưa chúng tôi đến tham dự khai mạc một lớp nghề may do Trung tâm liên kết với cơ sở may Bảo Ánh, tại thôn Ân Niên, xã Hòa An vào đầu tháng 8/2019. Đây là cơ sở may gia công cho một công ty may xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Quý, việc liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề là hướng đi thuận lợi trong quá trình đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau khi học nghề vì doanh nghiệp may trang thiết bị máy móc, còn Trung tâm chi phí tiền mua vật tư thực hành cho các cơ sở để đào tạo học viên trong thời gian đầu. Trung tâm cũng hỗ trợ giáo viên hướng dẫn lý thuyết và thực hành để đáp ứng giáo trình đào tạo trong 3 tháng (sơ cấp nghề). Sau khi đào tạo xong, nếu học viên có nhu cầu được nhận vào làm việc tại cơ sở may gia công tại địa phương.
Còn anh Phan Văn Đoàn, Chủ cơ sở may Bảo Ánh, đơn vị phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Hòa đào tạo học viên may công nghiệp ở xã Hòa An cho biết, trong quá trình đào tạo nghề, ngoài chế độ học nghề của học viên, cơ sở còn hỗ trợ nước giải khát nửa buổi, cơm trưa cho học viên. Đối với học viên học nghề sau khi được nhận vào làm việc, chế độ thu nhập lương hàng tháng được tính theo sản phẩm, bình quân người mới học nghề xong làm việc thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng; khi thành thạo, làm việc chuyên cần thu nhập tăng lên khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài chế độ lương, cơ sở còn có chế độ tiền thưởng cho học viên siêng năng, bồi dưỡng hiện vật bằng sửa hàng tháng, con công nhân bị ốm bệnh được hỗ trợ 300.000 đồng, hỗ trợ con em vào năm học mới 200.000 đồng/cháu và chế độ tiền thưởng vào các ngày lễ, Tết, kèm theo quà như bánh trung thu, quà Tết Nguyên đán. Đối tượng học nghề ở đây là lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên làm việc trong lúc thời gian nông nhàn, mùa màng đã xong, để tăng thêm thu nhập, cải thiện thêm cuộc sống của người dân nông thôn.
Chúng tôi đã tiếp xúc với một số học viên học nghề may tại đây và nhận thấy, ngoài một số học viên là lao động nông thôn vừa làm ruộng, vừa học nghề, cũng có học viên học xong Phổ thông trung học xin vào học nghề và làm việc tại đây. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (thôn Hòa Thắng) - học viên đang học nghề may cho biết, chị tham gia học nghề may và sau khi học nghề xong sẽ xin làm việc tại đây vì điều kiện gần nhà, tranh thủ thời gian nông nhàn để tăng thu nhập, nuôi 2 đứa con ăn học. Hiện gia đình chị thu nhập chính từ làm ruộng, nuôi bò, ông xã cũng làm thêm nghề thợ mộc, nếu chị thu nhập thêm từ nghề may thì cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Còn chị Đinh Thị Thu Trinh (thôn Ân Niên) đã tham gia lớp học xong và được nhận vào làm việc tại đây được 2 tháng, nhờ chuyên cần trong công việc, chỉ nghỉ lúc bận gia đình và ngày Chủ nhật nên thu nhập mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng. Chị cho biết, chuyên cần làm việc đủ công hàng tháng sẽ được thưởng thêm 200.000 đồng. Gia đình chị ngoài làm ruộng, ông xã còn làm thêm nghề thợ hồ, thu nhập 300.000 đồng/ngày nên cũng đủ chi tiêu trong cuộc sống. Hay như chị Nguyễn Thị Vương (thôn Vĩnh Phú) là người sau khi học xong lớp nghề đã gắn bó làm việc ở đây 2 năm nay nên tay nghề thành thạo, thu nhập cao, khoảng 4 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này, cùng với thu nhập từ nghề thợ hồ của ông xã và làm ruộng, nuôi bò tạo cuộc sống ổn định cho gia đình.
Rời lớp học nghề may ở thôn Ân Niên, chúng tôi cũng theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Ngọc Đăng Khoa đến thăm các vườn rau sạch do bà con nông dân ở thôn Đông Phước tham gia học nghề trồng rau sạch do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Hòa tổ chức, sau khi học nghề đã biết áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất cho sản phẩm rau sạch, an toàn, năng suất chất lượng cao.
Chị Lương Thị Bích Thủy, chị Nguyễn Thị Hồng đang chăm sóc vườn rau của mình cho biết, sau khi được học lớp nghề trồng rau sạch, các chị đã nhận ra được nhiều điều mới lạ, hay mà trước đây chỉ biết trồng và chăm sóc rau theo kinh nghiệm. Bây giờ hai chị đã nắm vững được kiến thức trồng rau theo công nghệ sạch, từ khâu làm đất, gieo giống, tưới nước, bón phân, phun thuốc theo đúng quy trình kỹ thuật để có được sản phẩm rau sạch, tươi tốt bán cho người tiêu dùng sử dụng đảm bảo sức khỏe. Nhờ trồng rau sạch mà đầu ra của sản phẩm sau rạch các chị trồng không chỉ bán ở ngoài chợ mà còn được siêu thị Coopmart ở Thành phố Tuy Hòa thu mua sản phẩm. Các sản phẩm rau trồng ở đây gồm: É trắng, é quế, xà lách, cải, mồng tơi, hàng tháng tạo thu nhập cho gia đình chị Thủy, chị Hồng từ 4 đến 5 triệu đồng.
Theo đánh giá của anh Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm tại xã đào tạo nghề may khoảng 30 - 35 học viên và một lớp trồng rau sạch. Học viên sau khi học nghề được cấp chứng chỉ nghề và có việc làm ổn định. Đối với nghề phi nông nghiệp như nghề may, tại xã có 2 cơ sở may gia công là cơ sở may Bảo Ánh và cơ sở may Thanh Diễn; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Hòa phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Hòa An liên kết với các cơ sở may gia công để dạy nghề cho bà con nông dân có nhu cầu học nghề, sau khi học nghề đều được nhận vào làm việc, người lao động gắn bó với cơ sở sản xuất, tăng thêm nguồn thu lúc nông nhàn. Cùng với thu nhập trong sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, chăn nuôi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Việc liên kết với doanh nghiệp trong dạy nghề cho lao động nông thôn là hướng đi đúng đắn. Vì doanh nghiệp có trang thiết bị máy móc, việc dạy thực hành sẽ sát với nghề mà doanh nghiệp cần. Điều quan trọng nữa là giải quyết được việc làm cho học viên sau khi học nghề. Học viên học nghề xong phải có việc làm, tăng thu nhập thì mới đạt được mục đích của công tác dạy nghề là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Đối với các lớp trồng rau sạch, chúng tôi chọn đối tượng đào tạo nghề là bà con nông dân có đất sản xuất để hướng dẫn kỹ năng, kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn, cung cấp cho thị trường chính ở các chợ đầu mối và siêu thị ở Coopmart ở Thành phố Tuy Hòa.