THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Tiền Giang: Xã hội hóa công tác chăm sóc Người có công

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ( 27/07/ 1947 - 27/7/2017) phóng viên Báo Lao động và Xã hội có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Nhi PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang xung quanh vấn đề này!

 

  Là địa phương thực hiện tốt các chính sách cho người có công trong những năm qua, ông có thể cho biết sơ bộ về kết quả 10 năm (2007 – 2016) thực hiện Chỉ thị 07 về công tác thương binh liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang?

Trong những năm qua, bằng nghĩa tình và trách nhiệm, tỉnh đã và đang tiếp tục làm hết sức mình nhằm ổn định, nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiền Giang xác định nhiệm vụ chủ yếu trong việc tôn vinh, chăm sóc người có công là phải làm thật tốt và hiệu quả trên cả ba phương thức, Nhà nước chăm lo về cơ bản mức sống của người có công – được quy định bởi các chế độ của pháp luật; khuyến khích và mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh với các hoạt động sôi nổi, rộng khắp.

Ông Nguyễn Văn Danh - Bí thư tỉnh Tiền Gian trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 10 gia đình có công, có thân nhân là liệt sĩ mới được nhà nước công nhận.


Qua 10 năm (2007 - 2016) thực hiện Chỉ thị 07, tỉnh đã đề nghị giải quyết công nhận 9.839 hồ sơ người có công các loại. Ngoài ra, còn giải quyết trợ cấp cho Người dân có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần 21.502 hồ sơ; Người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp theo Quyết định 290/2005/CP  7.553 hồ sơ;  Người HĐKC hưởng trợ cấp 1 lần theo Nghị định 23/CP 466 hồ sơ; Hồ sơ hưởng trợ cấp 1 lần theo Quyết định 142/CP là 79 hồ sơ. Cấp sổ và trợ cấp chế độ ưu đãi cho 4.025 học sinh, sinh viên là con của người có công; Ra quyết định và trang cấp dụng cụ chỉnh hình 1.535 đối tượng; Đề nghị cấp mới 339 Bằng và cấp đổi lại 3.500 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ; Ra quyết trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 23.345 hồ sơ; điều chỉnh từ trợ cấp một lần sang trợ cấp hàng tháng cho trên 820 hồ sơ; truy lĩnh trợ cấp theo Công văn số 2216/NCC-CS2 ngày 13/11/2015 của Cục Người có công cho số 517 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, điều chỉnh thông tin cho thân nhân liệt sĩ cho trên 10.000 trường hợp cấp lại giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, điều chỉnh trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học….

 Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tỉnh tổ chức các hoạt động gì nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng?

Nhằm ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Tiền Giang sẽ tổ chức các hoạt động với nhiều nội dung, hình thức phong phú và thiết thực như: tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ ( 27/7), hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu, Tổ chức trưng bày hình ảnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; Tổ chức 13 đoàn do các đồng chí là ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy đi thăm và tặng quà cho các Mẹ việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu; Tổ chức chương trình lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ; tổ chức lễ giổ liệt sĩ trong toàn tỉnh, Tổ chức đưa người có công tiêu biểu đi viếng Lăng Bác, tham quan một số khu di tích lịch sử tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và nhiều hoạt đông phong phú khác nhằm ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Đoàn NCC tiêu biểu của tỉnh tham quan Thủ đô Hà Nội


 Qua tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 07, trong quá trình thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” Tiền Giang gặp những khó khăn gì cần được tháo gỡ để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian tới?

 Về chính sách trợ cấp cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học điều chỉnh 3 mức như đối với bệnh binh cho những người hưởng trước đây, còn những người mới được xác nhận sau này thì vẫn còn hưởng mức 4 gây thắc mắc giữa người lập hồ sơ sau với người lập hồ sơ trước, đề nghị nghiên cứu cho giám định lại xác định tỷ lệ và hưởng theo tỷ lệ đối với người hưởng trước đây thì sẽ hợp lý hơn. Cho chủ trương giám định lại sức khỏe và hưởng theo tỷ lệ đã giám định để có thể hưởng mức cao hơn do bệnh tật tái phát nặng hơn do có nhiều đối tượng kiến nghị. Có quy định riêng thủ tục hồ sơ cho đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là lực lượng dân công, dân quân, tự vệ, cán bộ thôn ấp nhưng hiện nay đa số các đối tượng này không có giấy tờ gốc để làm cơ sở xác nhận là người hoạt động kháng chiến làm cơ sở giải quyết hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Đoàn NCC tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang viếng Lăng Bác


Đề nghị cho phép sử dụng hai người xác nhận cho những trường hợp thật sự có tham gia cách mạng và bị địch bắt tù, đày nhưng không có tàng thư địch để lại, không còn giấy tờ gốc theo quy định, chỉ còn người xác nhận. Mặc dù đã được nhiều lần mở rộng chính sách cho đối tượng thương binh hoặc mất sức lao động đồng thời là bệnh binh  này. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập đối với trường hợp MSLĐ đồng thời là bệnh binh vì nguồn chi trả MSLĐ thuộc BHXH đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn chi cho người có công, nhưng diện này chưa được quy định cho hưởng vẫn còn ràng buộc điều kiện 15 (20 năm) hoặc tỷ lệ bệnh tật và thương tật không cộng dồn. Đề nghị sớm xem xét cho hưởng cả hai chế độ.         

 Hiện nay, mức giá quy định  về chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình qua nhiều năm vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với giá thị trường; hoặc quy định mức giá chưa phù hợp như mức giá của loại giày chỉnh hình và dép chỉnh hình chênh lệch quá xa và thời hạn cấp lại loại này cũng chưa phù hợp, xem xét giải quyết tiền xe đi lại cho đối tượng phải đi lại nhiều lần để làm chân tay giả. Chế độ cho vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác, đề nghị không ràng buộc điều kiện hưởng ( phung dưỡng cha, mẹ liệt sĩ hoặc nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành) và đề nghị được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí khi từ trần, chế độ điều dưỡng và nhà ở nếu có nhiều khó khăn.Trường hợp vợ liệt sĩ có 02 chồng trở lên là liệt sĩ, được hưởng 02 định suất tuất hàng tháng của 02 liệt sĩ.

Nhiệm vụ và giải pháp đối với công tác người có công trong thời gian tới được triển khai thực hiện như thế nào thưa ông?

Trong thời gian tới, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đối với những đối tượng đã được công nhận phải thực hiện đúng và đầy đủ chế độ, đồng thời kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Phấn đấu giải quyết dứt điểm hồ sơ còn tồn đọng tại địa phương theo chỉ đạo của Trung ương, chú trọng đến việc giải quyết về nhà ở cho người có công theo nghị định 22/CP để sớm dứt điểm đề án đã được phê duyệt.

Ông Võ Văn Nhi - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang


Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; vận động, tuyên truyền toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội cùng nhà nước quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công. Lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo tạo điều kiện cho người có công và thân nhân của họ tham gia phát triển kinh tế, ổn định góp phần nâng cao đời sống người có công với cách mạng; củng cố, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc thương binh, bệnh binh và điều dưỡng người có công…

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh