Thừa Thiên – Huế: Giải quyết chính sách cho gần 4.000 người nhiễm chất độc hóa học
- Người có công
- 01:51 - 14/09/2019
Chiều ngày 13/9, Đoàn Kiểm tra Trung ương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về tình hình thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thành phần Đoàn có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin làm Trưởng đoàn; cùng tham gia có bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong thời kỳ chiến tranh, Thừa Thiên – Huế chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng. Địa bàn trọng điểm là huyện A Lưới, cùng một số vùng đất khác, như: Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy. Trong những năm qua, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm lo thực hiện chính sách, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ, gắn với công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ năm 2000 đến tháng 9/2005, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giải quyết chính sách cho 2.095 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Từ năm 2015 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã giải quyết cho 192 người, nâng tổng số người đã được giải quyết chính sách lên 3.997 người. Hiện số người còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2.380 người.
Hàng năm, tỉnh đã thực hiện việc điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học kịp thời; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công theo quy định.
Ngoài ra, Thừa Thiên – Huế đã quyết định thực hiện chế độ ưu đãi với hơn 170 học sinh, sinh viên là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Việc giải quyết hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được công khai, minh bạch, đúng quy định và đúng thời hạn.
Cùng với việc thực hiện chế độ trợ cấp, Thừa Thiên – Huế cũng đã đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", huy động các nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng; quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ tặng quà nhân các dịp lễ, Tết,…Đời sống người có công ngày càng được cải thiện.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 – 2018, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tại Thừa Thiên – Huế đã kêu gọi, vận động được 2,31 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 8.280 lượt nạn nhân chất độc da cam; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 6 nhà của hội viên với số tiền hơn 270 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất quay vòng cho 32 hộ gia đình nạn nhân tại huyện Phong Điền, góp phần xóa đói giảm nghèo. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, các hội đã hỗ trợ quà cho 4.454 lượt nạn nhân,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, quá trình xác nhận, giải quyết chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách và do các yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kiến nghị một số vấn đề, như: xếp sân bay A So (huyện A Lưới) địa điểm có nồng độ dioxin còn cao và danh mục được tẩy rửa; các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về việc xác nhận, công nhận, giải quyết các trường hợp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phù hợp với điều kiện thực tế; bổ sung đối tượng là những người có công giúp đỡ cách mạng liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; có quy định giám định lại bệnh, tật đối với người nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định trước đây, nay mắc thêm bệnh theo danh mục bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học,…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đánh giá cao những kết quả đạt được về tình hình thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua; đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, hỗ trợ người có công với cách mạng nói chung, nạn nhân chất độc hóa học nói chung. Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác đã ghi nhận và sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.