THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:56

Giải quyết chính sách với người có công trên tinh thần khẩn trương nhất

Xuất khẩu lao động: Số lượng tăng, nhiều thị trường tiềm năng và hiệu quả

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, thời gian qua, việc kiện toàn nâng cao chất lượng các Trung tâm dịch vụ việc làm đã được thực hiện, tuy nhiên, cử tri phản ánh vẫn có tình trạng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải trả tiền môi giới cao hay tình trạng NLĐ bỏ trốn ở nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về cơ bản đã triển khai rất nghiêm túc các quy định của pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình sửa đổi Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Số lượng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 3 năm qua tăng nhanh, liên tiếp vượt mốc 100.000 người/ năm. Trong đó, năm 2016: 127.000 người; năm  2017 là 134.000 người; 2018: 143.000 lao động. Thị trường cũng được mở rộng, ngoài các thị trường truyền thống đã mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng và có hiệu quả như Úc, Đức, Rumani và gần đây nối lại với Séc sau một thời gian gián đoạn. Việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ chỗ thụ động nay về cơ bản đã chủ động hơn.

 - Ảnh 1Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành


Liên quan đến những vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ mà đại biểu đề cập như thu phí môi giới cao, lao động bỏ trốn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ siết rất chặt về vấn đề này. Việt Nam hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ và về cơ bản doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định. Với một số nước thì doanh nghiệp chỉ môi giới cho người lao động đi xong là hết trách nhiệm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, doanh nghiệp ngoài việc môi giới đưa người lao động đi còn có trách nhiệm quản lý và thậm chí phải tham gia xử lý những việc liên quan đến người lao động khi có vấn đề xảy ra. Và việc quy định số tiền môi giới này căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam và căn cứ vào Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước với nhau.

Về tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại lao động bất hợp pháp, Bộ trưởng cho biết, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc, thời điểm cao nhất năm 2016 là 55% và chúng ta tiến hành rất nhiều biện pháp như yêu cầu người lao động đóng tiền ký quỹ ở nhà, rồi xử lý các doanh nghiệp hai bên. Phía Hàn Quốc cũng xử lý rất nhiều các doanh nghiệp cũng như người lao động. “Đây là lỗi của cả hai bên, lỗi về phía chúng ta có, phía doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có, cá biệt có trình trạng doanh nghiệp bạn thậm chí còn đào hầm cho người lao động trốn trở lại. Nhưng hiện nay, qua 3 năm quyết liệt triển khai các biện pháp của cả hai phía thì tỷ lệ trốn từ 55% đã xuống còn 33%. Đây là tỷ lệ mà phía bạn cho rằng có thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Giải quyết chính sách với người có công trên tinh thần khẩn trương nhất

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về sửa đổi Pháp lệnh Người có công và một số trường hợp cụ thể liên quan đến việc công nhận liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ đã đăng ký với Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, trong kế hoạch vào tháng 10, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình với Chính phủ cho ý kiến về sửa đổi Pháp lệnh Người có công và tháng 12 sẽ chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Thời gian vừa qua, chúng tôi cùng với Ủy ban các vấn đề xã hội đã tiến hành tất cả các công việc liên quan đến việc sửa đổi Pháp lệnh Người có công và đến giờ này về cơ bản đã đảm bảo đúng tiến độ. Hiện chúng tôi đã lấy xong ý kiến của các ngành, các cấp, các địa phương và đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bộ cũng đã gửi trực tiếp Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh đến tất cả cá đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành để xin ý kiến, tinh thần là chúng tôi sẽ thực hiện đúng thời hạn là sẽ trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 12”, Bộ trưởng thông tin.

 - Ảnh 2Đại biểu Trương Minh Hoàng chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung


Về trường hợp truy tặng liệt sĩ ở Cà Mau mà đại biểu đề cập, Bộ trưởng cho biết, đây là trường hợp rất cá biệt, Bộ đã trình Thủ tướng và đang xin Thủ tướng cho phép ban hành một văn bản với những trường hợp có tính chất cá biệt và vướng mắc bởi trong văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không có quy định cụ thể về cách thức xử lý với những trường hợp như thế.

Liên quan đến trường hợp Mẹ liệt sĩ có nuôi một con nuôi và nuôi cháu mà không được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng, theo Bộ trưởng việc sửa đổi Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng không không thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH mà thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, “tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thấy có vướng mắc, chúng tôi cũng phát hiện ra và cũng đã kiến nghị. Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến và đã thống nhất với Bộ Quốc phòng và chúng tôi sẽ trình Chính phủ báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Tinh thần là đối với người có công, chúng tôi sẽ làm khẩn trương nhất để đáp ứng được được nguyện vọng thiết tha của người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp hiệu quả ra sao sau hai năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau hơn hai năm triển khai Nghị quyết của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt thực hiện quyết định của Chính phủ thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, toàn ngành đặc biệt là lãnh đạo Bộ đã tập trung rất cao cho lĩnh vực này và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, phấn đấu để số người học nhiều hơn, chất lượng đào tạo được nâng lên, người học ra trường có việc làm và quan trọng là tạo được sự ủng hộ của xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Đề cập đến những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất là tất cả các văn bản liên quan đến triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp đều được ban hành đầy đủ, kịp thời. 63 văn bản đã được ban hành và qua thẩm tra của Bộ Tư pháp về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu và đảm bảo đúng quy định.

Thứ hai, về tuyển sinh, nếu trước đây chỉ đạt 60% kế hoạch đặt ra thì 2 năm qua tuyển sinh học nghề đều vượt kế hoạch, đặc biệt năm 2018 đạt 107%, hết tháng 6/2019 tỷ lệ tuyển sinh vượt 15% so với cùng kỳ 2018. Nhiều trường đến nay đã tuyển sinh xong chỉ tiêu và đáng mừng là điểm đầu vào của nhiều trường đạt 14-15 điểm.

Thứ ba, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường cũng được triển khai quyết liệt, hầu hết các trường hiện nay đều tổ chức ký kết với doanh nghiệp và đặt hàng đầu ra. Dự kiến tháng 9 Thủ tướng Chính phủ sẽ tổ chức một diễn đàn rất lớn quy mô quốc gia liên quan đến việc nâng tầm kỳ năng nghề nghiệp cho lao động Việt Nam.

“Đặc biệt là chất lượng, hiệu quả đào tạo có chuyển biến rõ rệt, kết quả tốt nghiệp năm 2018 qua kiểm tra đánh giá cho thấy, 85% số học sinh của trường nghề ra trường có việc làm, tăng 5% so với năm 2017. Tuy nhiên, chúng tôi  ý thức đây mới là kết quả bước đầu, chúng tôi sẽ còn cố gắng nhiều hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh