Phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS gắn với xóa đói giảm nghèo
- Dược liệu
- 15:46 - 19/07/2019
Về giảm nghèo bền vững, Báo cáo cho biết, kinh phí bố trí cho các địa bàn khó khăn, vùng DTTS chiếm trên 90% tổng số vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
Cụ thể, tổng nguồn lực ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng. Trong 3 năm (2016-2018), Ngân sách trung ương đã phân bổ để thực hiện Chương trình là 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% Kế hoạch 5 năm; trong đó số vốn bố trí cho các địa bàn tập trung đông đồng bào DTTS là 19.878,883 tỷ đồng, chiếm 92% tổng số vốn đã giao của cả Chương trình.
Theo đó, Báo cáo cho biết, đến cuối năm 2018 còn 720.731 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 23,75% tổng số hộ đồng bào DTTS và chiếm tỷ trọng 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước, (đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 5,23%, tính đến cuối năm 2018).
Giai đoạn 2015- 2018: tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 1-1,5%/năm); Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Về hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2016- 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người DTTS; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS.
Theo đó, trong 3 năm từ 2016 đến 2018 ngân sách trung ương bố trí 1.742 tỷ đồng thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Chương trình TMTQG xây dựng nông thôn mới); đã hỗ trợ cho trên 800 nghìn người DTTS học nghề các cấp trình độ; trong đó, khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 thôn theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg (chiếm 21,8% số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trong cả nước).
Tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%.
Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng, trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có ưu tiên đầu tư và phát triển các cơ sở GDNN ở vùng đồng bào DTTS. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 2 trường cao đẳng và 16 trường trung cấp với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nghề cho người DTTS và nhiều khoa nội trú tại các trường cao đẳng, trung cấp ở vùng DTTS.
Đồng thời, Bộ đã lựa chọn được 106 trường vùng có đông đồng bào dân tộc để tập trung đầu tư trọng điểm các ngành nghề, cấp độ khu vực và quốc tế; lựa chọn 17 trường chuyên biệt để hỗ trợ đầu tư cơ sở chất chất, thiết bị nâng cao chất lượng đào tạo cho các đối tượng là người DTTS nội trú.
Về giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, Báo cáo cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 22/3/2018 phân bổ nguồn vốn bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay, theo đó phân bổ 35,161 tỷ đồng nguồn vốn bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm từ tiền lãi cho vay cho 3 tổ chức thực hiện chương trình và 11 tỉnh, trong đó ưu tiên các địa phương có đông đồng bào DTTS.
Theo đó, chỉ đạo các địa phương vùng đồng bào DTTS đã tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, giải pháp về giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương nói chung, đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là người DTTS nói riêng; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội để người lao động là người DTTS tiếp cận các thông tin tìm kiếm việc làm phù hợp.
Giai đoạn 2016 – 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.453 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm từ 2.200-2.500 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 357 nghìn lao động mỗi năm (trong đó, người lao động là người DTTS chiếm khoảng 5%).
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, hiện vẫn đang tích cực tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động là người DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp về các địa phương vùng đồng bào DTTS, vùng miền núi đặc biệt khó khăn tuyển chọn lao động để đi làm việc ở các thị trường như Malaysia, các nước Trung Đông và Hàn Quốc.
Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020 đã có 4.620 người thuộc các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bão ngang ven biển được hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 2.117 lao động đã xuất cảnh).
Như vậy, các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi luôn được các cấp, ngành triển khai kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.