THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Thừa Thiên Huế: Gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành đền bù thiệt hại nhà cửa cho người dân

Tường nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Khôi có nhiều điểm bị nứt, gãy và đã được Hội đồng Kiểm định huyện Phú Lộc đo, đếm

Vừa qua, phóng viên nhận được đơn phản ánh của gia đình ông Nguyễn Văn Khôi (SN 1945, trú tại tổ dân phố An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong đơn, ông Khôi trình bày việc nhà cửa bị hư hại, quá trình sản xuất kinh doanh của gia đình ông bị ảnh hưởng khi nhà nước thực hiện dự án Cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô, song đến nay vẫn chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng.

Theo ông Khôi, quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công đã gây nứt, gãy tường nhà, sụt lún nền nhà và làm toàn bộ kiến trúc ngôi nhà của gia đình ông bị nghiêng sang một bên, đe dọa đến sự an toàn tính mạng con người, tài sản gia đình. Sau khi kiểm tra hiện trường, Hội đồng Kiểm định do UBND huyện Phú Lộc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại của gia đình ông Khôi là hơn 83 triệu đồng, cộng với 24 triệu hỗ trợ lao động ngừng việc, tổng giá trị đền bù chỉ là hơn 105 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô do Công ty Môi trường đô thị Huế (Hepco Huế) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 153 tỷ đồng, được bắt đầu triển khai thực hiện từ cuối năm 2008 với các gói thầu xây lắp: hệ thống thoát nước mưa, nước thải cho các khu dân cư, bãi rác và hệ xử lý nước đổ ra đầm Lập An.

Tổng Công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đảm nhận thi công gói thầu lớn nhất là hệ thống thoát nước, với chiều dài 17 km, giá trị gói thầu là 93 tỷ đồng. Theo báo cáo số 45/DAMTĐT – KT của Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị Lăng Cô (gọi tắt là PMU Lăng Cô, trực thuộc Hepco Huế), tổng số hộ dân bị ảnh hưởng, phải đền bù khi thực hiện gói thầu cấp thoát nước là hơn 200 hộ, trong đó đã giải quyết ổn thỏa hơn 200 hộ, chỉ còn 2 hộ: Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Văn Huy chưa đồng ý với giá trị đền bù được xác định.

Nền nhà bị sụt, lún, gạch lót nền bong tróc nghiêm trọng

Trong bản cam kết khi thi công công trình Hệ thống thoát nước mưa và nước thải khu vực làng Chài (Tổ dân phố An Cư Đông 1, thị trấn Lăng Cô), PMU Lăng Cô cho biết: tuyến ống nước thải D800, rộng 0,8m sẽ nằm dưới tuyến đường hiện trạng. Phạm vi cần để thi công là 2,5m và biện pháp thi công tuyến ống đều được ép cọc cừ Lasen để thi công nên chỉ ảnh hưởng trong phạm vi đền bù. PMU Lăng Cô khẳng định công trình sẽ không bị ảnh hưởng gì đến ngoài khu vực đền bù. Đơn vị này cam kết nếu có sự cố gây ảnh hưởng đến vật kiến trúc của các hộ dân, họ sẽ chịu trách nhiệm và đền bù đúng hiện trạng.

Ngày 18/4/2010, Công ty Viwaseen thi công tuyến ống nước thải đoạn đi qua trục đường tiếp giáp với 2 hộ dân Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Văn Huy. Điều đáng nói, tuyến đường hiện trạng này cũng chỉ rộng 2,5m, nên móng nhà của hộ ông Khôi nằm sát ngay mép đường. Để đảm bảo an toàn khi thi công, đơn vị thi công đã nhờ chính quyền can thiệp, yêu cầu gia đình ông Khôi di dời khỏi căn nhà hiện tại, tìm nơi tạm trú đến khi công trình hoàn thành.

Thực hiện “lệnh” tạm thời di dời của chính quyền huyện Phú Lộc và đơn vị thi công, gia đình ông Khôi đã phải đi thuê chỗ khác để ở. Mặt khác, nhà của gia đình nằm phía sau chợ thị trấn Lăng Cô nên gia đình có tổ chức kinh doanh buôn bán; đồng thời do đất phía sau rộng nên gia đình cũng xây dựng chuồng để nuôi heo thương phẩm. Theo ông Khôi, tổng thời gian gia đình ông phải di dơi để đơn vị thi công thi công đoạn đường ống là hơn 16 tháng. Điều đó đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình, cộng với kiến trúc nhà cửa bị hư hỏng nghiêm trọng. Vì vậy, việc Hội đồng Kiểm định do UBND huyện Phú Lộc lập theo quyết định số 1605/QĐ – UBND ngày 22/4/2011 xác định tổng thiệt hại của gia đình ông chỉ có 105 triệu đồng, theo ông Khôi là không thỏa đáng.

Cả gia đình ông Huy và ông Khôi, đề nghị phải xác định lại thiệt hại cho họ, hoặc đơn vị thi công hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của kiến trúc 2 ngôi nhà. Tuy nhiên, đơn vị thi công và chủ đầu tư đã bác bỏ yêu cầu của các bên thiệt hại.

Sau nhiều lần thỏa thuận, giải quyết đền bù không thành giữa các bên liên quan, tháng 9/2012, UBND huyện Phú Lộc ban hành Văn bản số 791/UBND – KNTC hướng dẫn về việc giải quyết đền bù cho hộ ông Khôi và ông Huy. Theo đó, huyện Phú Lộc đề nghị các bên tiếp tục thỏa thuận bồi thường, áp dụng biện pháp khắc phục, bằng không tự “lôi nhau” ra Tòa án nhân dân mà giải quyết. Vì thế, sự việc cũng bị đình trệ từ đó đến nay, mặc người dân đi “kêu cứu” khắp nơi, kể cả gửi đơn kiến nghị vượt thẩm quyền lên chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi ra tận Trung ương.

Người có công vẫn bị ép uổng?

Liên quan đến gia đình ông Nguyễn Văn Khôi, cũng có đơn trình bày về việc bổng dưng mất đất rừng. Ông Khôi cho biết, năm 1984 gia đình ông mua lại một khu đất trồng hoa màu và cây ăn quả lâu năm như mít, khế tại khu suối 3, tổ dân phố Hải Vân (thị trấn Lăng Cô) của gia đình ông Lê Phước Hiếu (trú tổ dân phố An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô). Sau khi mua lại diện tích đất rừng này, gia đình ông khai hoang thêm với tổng diện tích khoảng 9ha để trồng hoa màu và các loại cây ăn quả lâu năm, keo tràm. Gia đình quản lý và sử dụng ổn định toàn bộ diện tích nói trên cho đến trước năm 2008. Thời điểm năm 2008, ông Khôi đổ bệnh nằm một chỗ. Đến năm 2010, khi ông lên thăm rừng thì phát hiện người của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (thuộc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế) tự ý chặt phá các cây mít trong diện tích đất rừng của gia đình, đồng thời trồng xen kẽ các loại keo, tràm vào. Ngay sau đó, ông đã làm đơn kiến nghị gửi nhiều nơi nhưng không được giải quyết.

Vừa qua, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đăng Trung – Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thông tin, toàn bộ diện tích đất rừng trước đây của gia đình ông Khôi hiện đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp GCNQSD đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vào tháng 12/2009. Mặc dù trước đó, đoàn đo vẽ của UBND thị trấn Lăng Cô, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã tiến hành đo, vẽ bản đồ xác đinh khu đất theo sự dẫn đặc của hộ ông Nguyễn Văn Khôi.

Năm2001, bà Đinh Thị Bảy - vợ ông Khôi được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

“Tôi là người có công với cách mạng, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong quá trình sinh sống ở đây, gia đình tôi cũng luôn chấp hành đúng mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Vậy mà không hiểu sao gia đình lại bị ép uổng quá trời”, bà Đinh Thị Bảy - vợ ông Khôi than thở.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh