THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:06

Huyện Con Cuông (Nghệ An): Bất thường trong đền bù giải phóng mặt bằng của dự án thủy điện Chi Khê

 

“Đi cũng dở, ở không xong”
Hơn 300 hộ dân thuộc các xã của huyện Con Cuông (Nghệ An) có liên quan đến dự án Thủy điện Chi Khê đã có đơn gửi lên UBND xã, huyện, tỉnh phản ánh, khiếu nại về việc đền bù giải phóng mặt bằng thủy điện Chi Khê chưa đúng, giá đền bù quá thấp. 
Nhiều hộ dân ở xã Châu Khê đang khiếu nại vì giá bồi thường đất quá thấp.
Như trường hợp của hộ ông Phan Văn Dần, ở bản Châu Sơn (xã Châu Khê) nằm trong diện phải di dời nhà cửa vì đây là khu vực ngập nước khi thủy điện Chi Khê đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa thể đến nơi ở mới, dù thủy điện này đã sắp tích nước để phát điện. 
Ngày 5/2/2015, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Con Cuông áp giá cho hơn 611m2  đất vườn liền kề nhà ông Dần chỉ có hơn 13 triệu đồng (tương đương 22.000 đồng/m2 theo giá đất nông nghiệp). Ông Dần cho rằng, giá đền bù này là quá thấp, 1m2 đất chưa được bát phở nên không nhận tiền và khiếu nại. Sau đó, trong biên bản xác nhận bồi thường vào ngày 24/4/2016, Hội đồng BTGPMB đã áp lại giá và thông báo cho ông Dần số tiền bồi thường 611m2 đất này là 211.789.300 đồng. Ông Dần bức xúc: “Đầu tiên họ chỉ áp theo giá đất nông nghiệp. Tui khiếu nại, họ mới áp lại theo giá đất vườn với giá như rứa”.
 Ngay cạnh nhà ông Dần là thửa đất và nhà ở của ông Đặng Văn Minh rộng 939m2 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Từ năm 2005, ông Minh sang nhượng đất vườn cho 2 con trai làm nhà ở kiên cố, nhưng chưa làm thủ tục tách sổ đỏ. Khi áp giá bồi thường, Hội đồng GPMB gộp và chỉ làm thủ tục bồi thường cho ông Minh với giá bồi thường cho toàn bộ khu đất ở của 3 hộ là 170,9 triệu đồng. Thấy số tiền quá ít nên ông Minh không nhận. Chị Nguyễn Thị Tuệ, con dâu ông Minh đang có nhà ở trên đất ông Minh, cho rằng, gia đình chị có 327m2 đất, nhưng với giá bồi thường này thì chỉ nhận được hơn 57 triệu đồng. Chị Tuệ tức tưởi: “Từng ni tiền thì không thể mua được đất để ở khu vực ni. Đất nhà tui chưa tách bìa nhưng cũng đã làm nhà ở thì phải đền bù theo giá đất ở để nhà tui còn mua được mảnh đất khác mà sinh sống. Đền bù thấp như rứa thì tui biết mần răng. Chỉ có vô rừng ở chớ biết mần răng”. 
Ông Đặng Văn Minh chưa thể di dời vì 3 lô đất 939m2 chỉ được bồi thường 170,9 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ, hộ ông Lê Đức Trung ở cùng bản Châu Sơn cũng đang rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong”. Ông Trung có 1.550m2, trong đó có 450m2 đất đã được cấp sổ đỏ. Do khó khăn nên ông Trung đã bán lại 600m2 cho 2 hộ dân khác làm nhà ở từ 7 năm nay. Khi áp giá đền bù, toàn bộ 1.550m2 của 3 hộ dân đang sinh sống nằm cách quốc lộ 7 chỉ chừng 200m này chỉ được 210 triệu đồng. Ông Trung bức xúc: “Dân bà tui sẵn sàng nhường đất cho thủy điện và đã chờ đợi 2 năm rồi, nhưng với giá đền bù ni thì sau khi dời nhà, bà tui không thể đủ tiền để mua mảnh đất khác. Vì sao bà tui vừa mất đất, cuộc sống bị xáo trộn vì phải di dời nhưng lại phải chịu thiệt thòi như rứa?”.
Vào rừng làm nhà ở
Ông Phạm Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Agrita - Nghệ Tĩnh, đại diện đơn vị chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Chi Khê khẳng định: “Nhà máy đền bù giải phóng mặt bằng là đúng theo quy định, giá cả là theo quy định. Các hộ dân di chuyển đã thống nhất và ký thỏa thuận. Còn họ xây dựng nhà không đủ như thế nào thì chúng tôi làm sao biết được. Còn đền bù sai, cậu Đức - người của nhà máy có ý định làm sai, chúng tôi đã xử lí cho nghỉ việc rồi. Không có chuyện tính sai đâu”.
Nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù lâm vào cảnh trớ trêu. Như ông La Văn Thi, sau khi nhận 250 triệu đồng tiền bồi thường, vào khu vực khe Hoi (bản Châu Sơn), cách nơi ở cũ khoảng 1,5km để sinh sống. Ông Thi mua một vạt đất rừng giá 25 triệu đồng, tiền công san ủi 25 triệu và 150 triệu đồng để xây căn nhà nho nhỏ (chưa có nhà bếp và sân). Cuộc sống nơi ở mới của ông Thi không điện, không đường. Để có điện, ông Thi phải mất 5 triệu đồng mua dây điện để kéo từ bản vào. Ông Thi nói, số tiền còn lại không thể đủ để xây nhà bếp, sân, nghĩa là số tiền được bồi thường không đủ để ông dựng lại nhà cửa nơi ở mới, dù phải chấp nhận sống cách biệt trong rừng. “Ở chỗ cũ, nước uống có giếng, nhưng vào đây, giếng không có, nước khe thì đục, khổ lắm”, ông Thi than thở. Ông Thi là 1 trong số gần 30 hộ dân đã di dời khỏi xã Châu Khê để nhường đất cho thủy điện. 
Ông La Văn Thi, người đã di dời và chuyển nhà vào rừng nhưng số tiền đền bù chưa đủ hoàn thiện nơi ở mới. 
Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, thừa nhận, việc để cho người dân (phần lớn là đồng bào thiểu số) tự di dời nhà cửa như họ tự thỏa thuận, mà phía chủ đầu tư thủy điện không bố trí tái định cư cho họ là một thiếu sót. Do tiền bồi thường ít, nên các hộ dân phải vào rừng tự ý mua đất rừng rồi san lấp làm nhà. Theo ông Thao, qua kiểm tra các hộ đã di dời, một số hộ đã nhận tiền từ lâu, đã mua đất rừng của các hộ khác, nhưng san mặt bằng rồi để đó, chưa dựng nhà ở. Ông Thao cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục rà soát để đền bù giải phóng mặt bằng vì mới đánh giá lại tác động môi trường. Dự kiến còn 8 hộ nữa sẽ phát sinh phải di dời và chúng tôi sẽ đề nghị chủ đầu tư phải tái định cư cho dân chứ không thể để họ tự di dời nữa. Các thiếu sót sẽ phải kiểm tra kỹ và đền bù đúng, đủ cho dân”.  
 Theo ông Thao, đến nay đã có hơn 300 hộ dân có đơn kiến nghị, khiếu nại gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại mức giá đền bù đất, kiểm đếm lại tài sản, áp lại giá đất. Ông Thao cho rằng, việc bồi thường đất Hội đồng BTGPMB thực hiện theo Quyết định 54 năm 2014 và Quyết định 58 năm 2015 của UBND tỉnh Nghệ An. Các hộ dân đã tự tách thửa để sang nhượng nhưng chưa tách bìa thì chỉ được bồi thường theo hồ sơ của bìa đất. Tuy nhiên, ông Thao cũng thừa nhận, qua kiểm tra, khiếu nại của nhiều hộ dân là có cơ sở. “Do lực lượng mỏng mà số hộ bị ảnh hưởng quá nhiều, diện tích lớn nên anh em bị rối và có sai sót khi kiểm đếm, áp giá đền bù. Còn giá và các loại đất thì không sai”, ông Thao nói.
Lô đất của ông Phan Văn Dần ban đầu chỉ được áp giá 22.000 đồng/m2.
Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Huyện đang thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại diện tích bị thu hồi, kiểm đếm lại tài sản và áp lại giá đất cho các hộ dân. Chúng tôi đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh lại giá đất phù hợp hơn cho dân”.

 

Thủy điện Chi Khê nằm trên thượng nguồn sông Lam thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông, cao trình thiết kế mực nước 38m, 2 tổ máy, công suất 40MW với vốn 1.370 tỉ đồng do Công ty cổ phần năng lượng Agrita - Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 4/2014. Để xây dựng thủy điện Chi Khê, huyện Con Cuông thu hồi 500ha đất của hơn 1.100 hộ dân ở 4 xã, trong đó có 60 hộ dân phải di dời nhà cửa. 

Hoàng Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh