Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Huyệt vị
- 12:11 - 08/12/2023
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là hơn 14.924 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 hơn 12.505 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hơn 2.418 tỷ đồng.
Số vốn đã được phân bổ, giao kế hoạch hơn 14.894 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án. Trong đó phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư.
Tính đến ngày 25/11, Thanh Hóa giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% kế hoạch. Nếu chỉ tính riêng kế hoạch năm 2023 thì tỷ lệ giải ngân đạt 65,1% kế hoạch, tương đương so với tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 của cả nước. Còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, đến ngày 4/12, vẫn còn 17 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp...
Một số địa phương, đơn vị giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh như: Sở Giao thông - Vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa. Ở cấp huyện có UBND các huyện Ngọc Lặc, Nga Sơn, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Thạch Thành...
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; đồng thời thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2023.
Phân tích, chỉ rõ một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, thông tin tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tinh thần, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở chưa cao, chưa quyết liệt; năng lực, trình độ của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế...Trong thời gian còn lại của năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức cố gắng, tập trung, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra với phương châm thần tốc, quyết liệt...".
"Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ được giao. Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, vì vậy cần phải ưu tiên và đặt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lên hàng đầu. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với nhiệm vụ này. Tổ chức giao ban hằng tuần, giao ban theo tiến độ dự án để đưa ra giải pháp thực thi hiệu quả, nhất là đối với những dự án chậm tiến độ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án, từng khâu trong quá trình thực hiện để có hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời. Trong quá trình thực hiện phải gắn với kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả thực thi. Nuyên tắc bố trí vốn phải đúng theo quy định của pháp luật và có sự linh hoạt trong triển khai, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu ứng và thanh toán khối lượng. Đối với các nhà thầu thi công chậm trễ thì chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Các địa phương, các đơn vị liên quan nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Từ đó tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của năm 2023 đã đề ra...", ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.