Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
- Tây Y
- 15:51 - 30/10/2023
Các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Phát biểu ý kiến góp ý tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã có tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường nông thôn…
Cụ thể, việc triển khai thực hiện các chương trình đã đóng góp tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn; đời sống của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm; công tác lồng ghép, huy động các nguồn lực trong triển khai thực hiện 3 chương trình đã tạo động lực và huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển và triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong người dân.
Phân tích những mặt đạt được của các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận: Mô hình quản lý điều hành từ Trung ương đến cơ sở được kiện toàn. Các văn bản ban hành tương đối đầy đủ, đáp ứng cho việc quản lý thực hiện và cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Công tác lập kế hoạch phân bổ vốn đảm bảo theo nguyên tắc tiêu chí và định mức. Công tác kiểm tra, giám sát được các bộ, ngành chủ quản triển khai tích cực. Một số địa phương cũng đã quan tâm công tác tuyên truyền, vận động với đa dạng hình thức và đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân.
Đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ Chương trình giảm nghèo bền vững là chương trình đầu tiên hoàn thành việc ban hành văn bản ở cấp Trung ương. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều, hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 đạt và vượt mục tiêu. Sau 2 năm triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay đã đạt được nhiều kết quả, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể và là tiền đề tiếp tục để thực hiện cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cũng chỉ rõ những hạn chế như việc kiện toàn mô hình quản lý điều hành còn chậm và chưa có sự thống nhất giữa các địa phương do chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất. Hệ thống văn bản chậm ban hành thiếu đồng bộ còn chồng chéo và chậm được khắc phục. Việc huy động các nguồn lực trong dân còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Công tác tuyên truyền, vận động của quần chúng còn hạn chế, một bộ phận người dân còn ỷ lại trông chờ vào Nhà nước và coi việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp…
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, rà soát, sửa đổi các chính sách, văn bản hướng dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện
Trên cơ sở kết quả giám sát, đại biểu Trần Văn Tiến-Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phù hợp nhưng đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách, có đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán cư trú, không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận- Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, qua giám sát khảo sát cho thấy nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu khó thực hiện không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng Sổ tay hướng dẫn thực hiện; đồng thời bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo trùng lắp vào địa bàn đối tượng nguồn vốn gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay, để tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện. Có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của ba chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.