THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Tham gia CPTPP: Doanh nghiệp Việt phải đổi mới để lớn mạnh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, khi tham gia Hiệp định CPTPP, phải sửa nhiều luật để tương thích. Về việc cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động và quy định quyền của người lao động gia nhập, thành lập tổ chức đại diện không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề này có thể xử lý được để tăng hiệu quả, tính hấp dẫn của Tổng liên đoàn Lao động VN. “Quan trọng, Tổng liên đoàn Lao động phải phát triển mạnh lên. Đây là vấn đề chúng ta băn khoăn nhưng trong quá trình xem xét thì thấy đáp ứng được và làm được”, Phó Thủ tướng nói.

“Nội dung thứ 2 là đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tranh chấp, lao động đình công. Chúng ta có thời gian 5 năm có các biện pháp chế tài trong song phương với các đối tác để chúng ta có thời gian để điều chỉnh. Và khả năng chúng ta điều chỉnh được và đáp ứng được yêu cầu", ông Phạm Bình Minh khẳng định.

"Đây là vấn đề mà trong quá trình thương lượng, trao đổi, đoàn đàm phán cũng tập trung thảo luận để đạt được lợi ích của chúng ta tốt nhất, và bảo đảm cho chúng ta thực hiện được”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

 

Đánh giá Hiệp định có mức độ cam kết sâu nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) khẳng định tham gia CPTPP thể hiện quyết tâm chính trị lớn, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật của chúng ta.

“Quan trọng hơn là đã tạo ra một lợi thế, một sân chơi có nhiều lợi thế, nhiều cơ hội hơn với Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Nếu nhìn ở một nước đang phát triển như Việt Nam thì đây là cơ hội lớn nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá bên cạnh thuận lợi cũng có không ít khó khăn, kể cả góc độ chiến lược đối ngoại, thu hút đầu tư, việc làm… 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác rà soát pháp lý, đảm bảo tính tương thích của hệ thống pháp luật đối với việc phê chuẩn và thực thi CPTPP, Bộ trưởng đồng thuận với ý kiến của nhiều đại biểu tại thảo luận tổ, trước hết phải tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam.

Và đặc biệt, với tư cách người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm sửa đổi Bộ luật Lao động, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, việc tham gia CPTPP đang đặt ra nhiều khó khăn trong quá trình sửa đổi Bộ luật.

Tư lệnh ngành cho biết, Bộ LĐ-TB&XH tiếp ít nhất 6, 7 đoàn cấp cao quốc tế trao đổi về các vấn đề xung quanh việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định, đặc biệt là vấn đề lao động. Trong đó các phái đoàn quan tâm hai vấn đề về: tổ chức người lao động và 3 công ước quốc tế của ILO.

Tại các buổi tiếp này, Bộ trưởng đã thông tin, Bộ LĐ-TB&XH đã dự kiến lộ trình phê chuẩn 3 Công ước cơ bản của ILO, bao gồm: Công ước 98 dự kiến phê chuẩn trong năm 2019, Công ước 105 dự kiến phê chuẩn đến năm 2020 và Công ước 87 dự kiến phê chuẩn trước năm 2023.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, so với TPP trước đây, CPTPP gần như giữ nguyên các cam kết về lao động trước đây. Chương 19 về lao động của Hiệp định CPTPP chiếm đến 15 trang. Do đó, để tương thích, đáp ứng với các cam kết quốc tế về lao động, thì việc sửa đổi Bộ luật Lao động đang là khá nặng nề. Cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản pháp luật của Việt Nam đã tương thích 7/8 nội dung cam kết cơ bản về lao động của Hiệp định.

Bên cạnh lợi ích về thúc đẩy phát triển kinh tế, CPTPP được kỳ vọng tạo ra hàng triệu việc làm, bao gồm cả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Tuy nhiên khi lao động trình độ cao tràn vào, nếu ba yếu tố: công nghệ, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện sớm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự thua ngay trên sân nhà”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, và nhấn mạnh, do đó rất cần chuẩn bị tâm thế cho người lao động trước hội nhập. 

Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, khi tham gia CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội việc làm, tuy nhiên cũng đề nghị Chính phủ đánh giá thêm, khách quan hơn ở cương vị thách thức lớn hơn cơ hội trong lĩnh vực lao động.

“Tôi không nghĩ mấy ngành dệt may, da giày, điện tử… là năng suất cao nhất và cơ hội việc làm lớn nhất. Thách thức sẽ cao hơn cơ hội, vì đây là những ngành năng suất lao động hoàn toàn không cao. Thứ nữa, lương và thu nhập rất thấp. Khả năng thích ứng của nguồn nhân lực khi chúng ta chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang già hóa dân số, cũng sẽ tác động rất mạnh”, ông Lợi nói.

Vấn đề thứ 2 cần quan tâm khi tham gia CPTPP được ông Lợi đề cập chính là lao động và công đoàn. Ông Lợi cho biết, trong Hiệp định này nói rõ các vấn đề quan tâm: xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt trong lao động, tiền lương tối thiểu… Theo đó, hiện Bộ luật Lao động sẽ phải sửa đổi để phù hợp với với quy định trong Hiệp định CPTPP.

“Khi sửa Bộ luật Lao động chúng tôi đã rà soát các công ước rất kỹ, đến thời điểm này, cho thấy cơ bản các chính sách của chúng tra không xung đột nhiều lắm so với ILO và so với Hiệp định đang ký kết hiện nay”, ông Lợi nói.

Nguyễn Thanh- Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh