THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:26

Sẽ rà soát tổng thể chính sách của cả 13 đối tượng người có công

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

 

Chiều nay 31/10, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên chính phủ bất kỳ, về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Chính sách người có công: Một trong những chính sách thực hiện tốt nhất vừa qua 

Liên quan đến các chính sách dành cho người có công, đại biểu Tặng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) băn khoăn: “Quyết định 118-TTg Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở, có gì sai phạm không so với Pháp lệnh 26 về Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 198, khi thực hiện theo Quyết định 118, vừa hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giao đất, vừa miễn giảm đất, thì có sai phạm không?”.

Còn đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) chất vấn: “Một số gia đình có người thân hy sinh trong tham gia các cuộc kháng chiến nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ, do các thông tin lưu giữ không đầy đủ. Riêng Bắc Giang còn 160 trường hợp chưa được giải quyết, trong đó có một số trường hợp có mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã, có tên trong bảng ghi công, và được ghi trong lịch sử đảng bộ xã nhưng chưa được công nhận. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề trên?”.

Về ý kiến của đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, đối với người có công, các chính sách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân thể hiện sự tri ân, và chúng ta tập trung thực hiện. Và chính sách về người có công là một trong những chính sách thực hiện tốt nhất trong thời gian vừa qua.

“Về cơ bản, NCC đã được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà  nước. Riêng câu hỏi Quyết định 118 có gì sai phạm không so với Pháp lệnh 26 và Nghị định 198, tôi xin báo cáo: Các quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp lệnh, không bao giờ trái so với pháp lệnh”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, riêng về chính sách thì cụ thể hóa các chính sách, chẳng hạn như về hỗ trợ nhà ở, đất ở. Tuy nhiên, do điều kiện cụ thể, tình hình kinh tế xã hội từng thời gian, và từng đối tượng thì Chính phủ cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể.

Chẳng hạn quyết định 22 của Thủ tướng gần đây tập trung hỗ trợ NCC có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Thời gian qua có 410 nghìn ngôi nhà cho người có công. Còn các đối tượng khác, ngân sách chưa có khả năng, thì vừa vận động xã hội cũng như các địa phương tham gia đóng góp, đảm bảo người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

 

Địa phương chuyển hồ sơ, chúng tôi sẽ xem xét xử lý ngay thời gian tới 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ ngạc nhiên, khi hôm nay đại biểu nói Bắc Giang còn tới 160 trường hợp liệt sĩ chưa được công nhận.

“Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH cũng như các địa phương đang tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng nhất là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Về cơ bản, các địa phương cũng đã giải quyết xong ở cấp tỉnh. Do đó, chúng tôi ghi nhận ý kiến  này và sẽ làm việc ngay với Bắc Giang để xem xét lại trường hợp này”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng phân tích, đối với liệt sĩ nằm trong nghĩa trang, đã có bia mộ, có ghi trong lịch sử. “Tôi nghĩ là đối với liệt sĩ đã nằm trong nghĩa trang và có trong lịch sử đảng bộ, thì đương nhiên về nguyên tắc, là đã được công nhận”, Bộ trưởng nói và cho cho rằng, tuy nhiên cũng có trường hợp, mặc dù đã nằm trong nghĩa trang nhưng vẫn không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ, vì những trường hợp này đã báo tử là tử sĩ, hoặc do những giai đoạn lịch sử nhất định, nhiều trường hợp không phải liệt sĩ, nhưng thực tế đang nằm ở nghĩa trang.

“Vì vậy, với các trường hợp cụ thể, đề nghị địa phương chuyển hồ sơ, chúng tôi sẽ xem xét xử lý ngay trong thời gian tới”, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Sĩ Hội mong muốn điều chỉnh chính sách người có công -nhất là liệt sĩ hy sinh trước năm 1975 không còn thân nhân, với mức tiền thờ cúng hỗ trợ hiện nay chỉ có 500 nghìn, đại biểu mong muốn Chính phủ quan tâm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này”.

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay theo Chỉ thị 14 của Ban Bí thư, kết luận UBTVQH và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương đang tiến hành tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Người có công, và trong tháng 12 này, sẽ trình Chính phủ nội dung soạn thảo Pháp lệnh Người có công (sửa đổi).

“Theo đó, sẽ rà roát tổng thể chính sách của cả 13 đối tượng người có công. Trên cơ sở đó, sẽ xem xét, đề xuất một cách hợp lý nhất - và cũng trên cơ sở phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước - trong đó cũng có chính sách này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh