Trục lợi chính sách người có công: Phạt tù 45 người, và 124 người án treo
- Tây Y
- 22:47 - 01/11/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Chính sách người có công: đảm bảo nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời
Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) có câu hỏi về chính sách dành cho người có công với cách mạng. Đại biểu đánh giá cao việc thực hiện Pháp lệnh người có công với cách mạng, trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả hết sức to lớn, thể hiện rõ quyết tâm của ngành và cá nhân bộ trưởng. Tuy nhiên, theo đại biểu, “vẫn còn những khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả ba vấn đề: Xác định đối tượng, thủ tục, quy trình xét công nhận; và chế độ người có công”, đại biểu nêu.
Đại biểu Kim Nhung cũng băn khoăn, mong muốn được biết rõ hơn cách xử lý trong trục lợi chính sách người có công. Và “Có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh người có công như thế nào?”- đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu Mai Thị Kim Nhung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, việc xem xét công nhận người có công đang tiến hành theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đang được tiến hành một cách quyết liệt, và đang từng bước có hiệu quả nhất định.
“Nhìn tổng thể, chính sách người có công đã thực hiện đảm bảo nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề này. Và nhiều nơi, nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương đã từng bước đưa vấn đề này thành văn hóa ứng xử”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, trong quá trình thực hiện chính sách qua gần 70 năm qua cho thấy còn hiện tượng và có hiện tượng trục lợi chính sách. Gần đây, Bộ quyết liệt, phát hiện xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm này.
Cho đến nay, Bộ và các địa phương đã phát hiện và đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp, bao gồm: thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người kháng chiến, tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
“Và kết thúc thanh tra cho đến tháng 8/2018, ở 7 quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô, toàn bộ số hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 với tổng số 66.014 hồ sơ. Đến nay Bộ trưởng cũng đã quyết định đình chỉ chính sách 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
“Cái “không đúng” này không phải là tất cả đều man khai, mà có trường hợp man khai, có trường hợp giả mạo, có trường hợp thương binh thật nhưng hồ sơ không đầy đủ thì vẫn phải thực hiện tạm đình chỉ. Và đã kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng”, Bộ trưởng cho biết cụ thể.
Theo đó, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH thông tin, thời gian qua Bộ và các ngành cũng như các địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm các chính sách về người có công. Và các cơ quan chức năng, Tòa án cũng đã truy tố, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, án treo 124 người.
Đại biểu Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị) chất vấn các vấn đề liên quan đến chính sách người có công
“Như vậy, có thể thấy rằng, việc thực hiện thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Và bước đầu, thấy rằng có hiệu quả nhất định. Nhất là dịp 27/7 vừa qua, nhiều trường hợp hưởng sai chính sách đã tự nguyện trả lại chính sách. Đây cũng là một điều đáng chú ý”, Bộ trưởng cho biết.
Xem xét sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công
Về chất vấn đại biểu Kim Nhung nêu, có nên xây dựng Luật Người có công thay thế cho Pháp lệnh hay không, Bộ trưởng khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là không ban hành về Luật Người có công”.
Thực hiện Chỉ thị 14 và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang tiến hành các quy trình để trình UBTVQH xem xét sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công với cách mạng.
Bộ trưởng cũng cho biết, đi đôi với việc đó, thời gian tới sẽ lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác các hành vi vi phạm, để xem xét xử lý; tổng kết, phân loại các hành vi vi phạm, các cách thức trục lợi, để phổ biến cho các cán bộ để thực thi, phòng ngừa trong các trường hợp này.
Cùng với đó, tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh còn lại giai đoạn 2015 - 2018 trong quân đội và cả nước, cùng với các địa phương rà soát, thanh tra toàn bộ 320 nghìn hồ sơ mà người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
“Tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và niềm tin của nhân dân”, tư lệnh ngành Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.