Hình sự hóa 2 hành vi gian lận và trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi người lao động
- Bài thuốc hay
- 05:02 - 02/11/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Chiều 01/11, các thành viên Chính phủ tiếp tục đăng đàn trên nghị trường.
Chất vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết nợ Bảo hiểm xã hội, biện pháp xử lý? Đại biểu viện dẫn Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2018 tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đang chờ giải thể, phá sản; doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn... là 1.003 tỷ đồng với 59.000 lao động.
“Trong khi đó tại khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. Vậy xin hỏi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, vì sao Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực đã gần 3 năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được ban hành? Vướng mắc do đâu?”, đại biểu nêu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội có giao cho Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều biện pháp liên quan, như: ban hành Nghị định 115 cho phép đóng riêng từng trường hợp, để giải quyết quyền lợi người lao động; tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp tuân thủ trong BHXH bắt buộc và phát triển lực lượng; tham mưu cho Chính phủ, kiến nghị Quốc hội cũng như đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong Luật Hình sự.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 102 về Phát triển lực lượng bảo hiểm bắt buộc, trong đó có giải pháp tăng cường thanh tra, xử lý các biểu hiện trốn đóng bảo hiểm...
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã đề xuất, Chính phủ đã ban hành một số văn bản, một số chỉ đạo nhưng chưa đạt được mong muốn.
Bộ trưởng cho hay, hiện nay Bộ đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị định nhằm giải quyết triệt để vấn đề như đại biểu nêu, song đang gặp hai vấn đề lớn:
“Thứ nhất, do xung đột pháp luật, đặc biệt về phương án xử lý đối với quyền và lợi ích của người lao động - mà Luật Ngân sách và Luật Bảo hiểm xã hội đều không cho phép.
Thứ hai, vướng về thẩm quyền, vì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Vì vậy, chúng tôi đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng và Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để lắng nghe và trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phương án phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các chính sách hiện hành về chính sách Bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Trước đó, trong phiên chất vấn sáng 01/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vướng mắc liên quan đến quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) mong muốn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết hướng giải quyết của ngành tòa án đối với những vướng mắc này trong thời gian tới nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động và quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn được pháp luật quy định.
Liên quan đến quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn để bảo vệ người lao động khi bảo hiểm bị xâm phạm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, bắt đầu từ ngày 01/01/2018, hai hành vi gian lận bảo hiểm và trốn đóng bảo hiểm đã được hình sự hóa.
Những hành vi này đã được quy định là tội phạm tại các Điều 214 và Điều 216 của Bộ luật Hình sự.
“Với việc quy định như thế này, Tòa án không được xử các hành vi này theo trình tự dân sự nữa. Với việc quy định như vậy, quyền của người lao động được bảo vệ ở cấp độ cao nhất, tức là ai xâm phạm quyền này đã trở thành tội phạm”, ông Bình nói.
Theo đó, ông Bình nhấn mạnh, các tổ chức không chỉ có công đoàn và tất cả mọi người dân, kể cả người lao động, nếu phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm gian lận bảo hiểm và trốn bảo hiểm, hoàn toàn có nghĩa vụ báo cáo với cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát để khởi tố điều tra và khi đó, tòa sẽ xét xử một cách nghiêm minh.
Với việc quy định từ ngày 01/01/2018 như vậy, ông Bình khẳng định, quyền không chỉ của tổ chức công đoàn mà tất cả mọi người dân. “Chúng tôi rất khuyến khích và đề nghị phát hiện doanh nghiệp nào có gian lận cũng như trốn bảo hiểm để có xử lý”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.