THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:45

Công khai, thận trọng, quyết liệt giải quyết chế độ cho người có công

 

Hơn 159.000 TNXP được hưởng chế độ trợ cấp

 Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên cho biết, từ năm 1999,  khi đất nước có chiến tranh hàng triệu người tham gia lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, TNXP… để bảo vệ và giải phóng đất nước, Sau chiến tranh, nhiều người trở về địa phương chưa được giải quyết chế độ, chính sách. Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/ 4/ 1999 về chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Đây là chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với lực lượng TNXP tại thời điểm này. Từ năm 2000 đến năm 2011, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có trên 96.000 TNXP được hưởng chế độ với kinh phí chi trả khoảng 136,5 tỷ đồng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đến ngày 27/ 7 / 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ –TTg thay thế  Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg, theo đó “TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa được xét trợ cấp hàng tháng mức 360.000đ”. Ngày 05/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-TTg điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến từ 360.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.

Tính từ năm 2012 tới tháng 4/2015, Bộ LĐ-TB&XH đã bổ sung dự toán chi khoảng 170 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với trên 61.000 TNXP được hưởng chế độ theo Quyết định số 40/2011/QĐ -TTg ngày 27 / 7 / 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, đến nay đã có khoảng 159.000 TNXP được hưởng trợ cấp theo hai Quyết định trên, trong đó có trên 151.000 người hưởng trợ cấp một lần và hơn 7.000 người hưởng trợ cấp hàng tháng.

Cùng với các lực lượng khác, chính sách đối với TNXP tham gia kháng chiến bị thương và hy sinh đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập lực lượng tới nay. Đến nay, đã có một số lượng lớn TNXP được thụ hưởng chính sách của Nhà nước: gần 60.000 người bị thương được được hưởng chính sách như thương binh, khoảng 6.000 TNXP hy sinh được xác nhận là liệt sĩ, hàng ngàn TNXP hoạt động ở địa bàn Mỹ rải chất độc hóa học/dioxin và con đẻ của họ đã hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí (theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/ 11/ 2005 và Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/  12/ 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên cho biết, hiện nay cả nước còn 8.779 người bị thương và 681 trường hợp hy sinh chưa được xem xét công nhận là người hưởng chính sách như thương binh và liệt sĩ.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP cũng đưa ra đề xuất, sửa quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh; Quy định căn cứ, thủ tục, hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh không còn giấy tờ gốc; Quy định về điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học; Giải quyết chế độ y tế và mai táng phí cho TNXP…

Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên cho rằng, mức tiền trợ cấp đối với TNXP tuy không lớn, nhưng đã thể hiện sự uyển chuyển trong ban hành và thực thi chính sách đãi ngộ đối với TNXP của Đảng và Nhà nước. Đối với những đối tượng khác, thời gian tham gia công tác phải đủ 15 năm trở lên mới được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, còn với cựu TNXP tập trung chỉ cần không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa là được áp dụng chế độ đãi ngộ này. Mặt khác, nếu các lực lượng khác phải có đủ 15 năm công tác mới được hưởng trợ cấp hàng tháng, với mức 925.000 đồng/tháng, nhưng riêng TNXP có thời gian tham gia bình quân khoảng 2 năm (bằng 1/7 lực lượng khác) cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng mức 360.000đ . Có thể nói trong cơ chế chính sách đã có những cố gắng nới rộng biên độ một cách linh hoạt.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ, đưa ra giải pháp nhằm giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng đối với TNXP về những hồ sơ xác nhận liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết, đồng thời kiến nghị nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với TNXP không còn khả năng lao động, sống cô đơn, không nơi nương tựa và giải quyết trợ cấp hàng tháng đối với trường hợp TNXP đã hưởng trợ cấp một lần.

Sau khi lắng nghe nguyện vọng và kiến nghị của Hội Cựu TNXP Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, đây là trọng trách nặng nề cũng là ưu tiên hàng đầu ngành LĐ-TB&XH. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung giải quyết các chính sách và hồ sơ tồn đọng của người có công với cách mạng, đảm bảo tuyệt đại bộ phận người có công được hưởng đầy đủ chính sách và đúng đối tượng. Tại đây, Bộ trưởng, yêu cầu các đơn vị, bằng mọi giá phải tập trung giải quyết cơ bản những tồn đọng về hồ sơ liệt sĩ, TNXP, chất độc hóa học…Trong tháng 8/2016, Cục Người có công phối hợp cùng Vụ Pháp chế ban hành quy trình giải quyết các hồ sơ tồn đọng do không còn giấy tờ theo quy định, sau đó tiến hành triển khai rà soát thí điểm tại 5 tỉnh với nguyên tắc  công khai, minh bạch và thận trọng. Đề cao giám sát của nhân dân, chính quyền địa phương, công khai danh sách  trên phương tiện thông tin đại chúng. 

N.Síu / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh