Thái Bình kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ
- Người có công
- 14:27 - 27/07/2017
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một tỉnh đóng góp nhiều sức người, sức của cho cách mạng. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, đóng góp trên 100 triệu ngày công; trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến.
Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong các thời kỳ cách mạng, Thái Bình vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm. Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động cho 98 tập thể và 78 cá nhân, 5.381 Bà mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 26 vạn người được thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Toàn tỉnh Thái Bình có trên 51 nghìn liệt sĩ, gần 33 nghìn thương bệnh binh, gần 34 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến, họ và con đẻ của họ bị phơi nhiễm với chất độc hóa học và gần 6 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dự hội nghị
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa gần 23.400 căn nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, 99 nghĩa trang liệt sĩ và nhiều công trình tưởng niệm, ghi công liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh và các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận chăm lo, phụng dưỡng chu đáo suốt đời, các gia đình có công được chăm sóc về y tế, hàng trăm ngàn người có công và thân nhân được cấp thẻ BHYT, hỗ trợ về học hành, giúp đỡ về việc làm và tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, 286/286 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 98,65 % số hộ gia đình người có công có mức sống từ trung bình trở lên. Toàn tỉnh không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo, đại đa số có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân trong vùng. Hàng năm có gần 50 ngàn người có công được hưởng chế độ điều dưỡng, gần 95 ngàn người có công; thân nhân liệt sỹ được tặng quà nhân dịp lễ, tết, ngày 27-7 với kinh phí từ ngân sách tỉnh gần 60 tỷ đồng. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện:
Giai đoạn từ năm 1992 - 2011, toàn tỉnh đã xây mới, tu sửa, nâng cấp 17.282 nhà cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí 251,8 tỷ đồng từ nguồn huy động thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp; vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ và huy động ngày công lao động của các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 2012 đến nay, tỉnh Thái Bình đã tạm ứng ngân sách các cấp và huy động các nguồn khác hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 6.112 hộ người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 247,260 tỷ đồng.
Các đại biểu người có công tham dự hội nghị.
Công tác quy tập hài cốt liệt sỹ cũng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tỉnh Thái Bình cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh. Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh đã tiến hành khảo sát mộ liệt sỹ hiện đang an táng tại nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có: 18.193 mộ liệt sĩ, trong đó nằm trong 98 nghĩa trang Liệt sĩ, có: 16.784 mộ; nằm trong các nghĩa trang nhân dân: 1.409 mộ liệt sĩ. Mỗi năm có hàng trăm hài cốt liệt sỹ người Thái Bình được giám định, xác định danh tính và di chuyển về nghĩa trang liệt sỹ quê hương.
Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 8 Đền thờ liệt sỹ; 74 Đài tưởng niệm liệt sỹ; 56 Nhà bia liệt sỹ và 98 nghĩa trang liệt sỹ. 70 năm qua ngân sách Trung ương đầu tư cho công tác mộ nghĩa trang liệt sĩ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sỹ của tỉnh lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương, huy động thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và vận động các tổ chức, cá nhân cũng đã dành hàng ngàn tỷ đồng phục vụ cho công tác xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật và giáo dục truyền thống như Đền thờ Liệt sỹ tỉnh; Đền thờ Liệt sỹ huyện Kiến xương; Hưng Hà, Tiền Hải…
Tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã biểu dương, tôn vinh những tấm gương người có công tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hàng chục ngàn người có công trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời chỉ rõ 4 nội dung cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới là: Triển khai đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi đối với người có công tới tận cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Khuyến khích tạo điều kiện để thương, bệnh binh tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập đời sống cho gia đình, thu hút giải quyết việc làm cho lao động xã hội. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ.