Tết mới trong những “ngôi nhà 22” nghĩa tình
- Người có công
- 15:01 - 27/01/2017
Thêm niềm vui cho người có công
Trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân Đinh Dậu, chúng tôi có dịp đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Tư, ở thôn 5, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Căn nhà hai tầng rộng gần 50 m2 vừa được khánh thành còn nồng nồng mùi sơn mới. Bà Tư đang tất bật sắp xếp những vật dụng trong nhà để chuẩn bị đón Tết. Bà Tư hồ hởi nói: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các gia đình người có công và sự chung tay giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp mẹ con tôi mới có được căn nhà khang trang như thế này”.
Bộ đội giúp gia đình người có công sửa nhà.
Bà Nguyễn Thị Tư là vợ của liệt sĩ Nguyễn Chí Dưỡng, hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, lúc ấy cô con gái duy nhất của hai người mới tròn 2 tháng. Chồng mất một mình bà nuôi con, chăm sóc bố, mẹ chồng già. Đến nay tuổi bà đã cao sức yếu, nay ốm mai đau. Con gái lấy chồng đã có cháu, nhưng không mấy hạnh phúc nên đành ly hôn. Với vốn chữ nghĩa ít ỏi, con gái bà làm đủ nghề để kiếm sống, ai kêu gì làm đó, công việc bấp bênh nên cũng không dư dả. Cuộc sống của bà chỉ nhờ vào khoản trợ cấp hàng tháng. Được hỏi về ngôi nhà mới, bà xúc động cho biết: “Hoàn cảnh tôi khó khăn, tuổi già sức yếu lại thường xuyên bị bệnh. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1987 đến nay đã hư hỏng nặng, những ngày nắng thì nóng bức, mùa mưa dột khắp nơi nhưng cũng không có tiền xây lại. May có chính sách của Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng và được chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp hỗ trợ 160 triệu đồng nên tôi mới xây được căn nhà mới khang trang như thế này. Tết này tôi đã có nhà mới, đây là ước nguyện lớn nhất của gia đình tôi”.
Cùng với tâm trạng nôn nao đón Tết trong “ngôi nhà 22”, bà Nguyễn Bích Phẩm, xóm Đồng Tiến, xã Phú Lạc, Đại Từ, Thái Nguyên cũng đang dọn dẹp cây cối quanh nhà cho gọn gàng sạch sẽ sao cho “xứng” với ngôi nhà đẹp mà gia đình mới được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định 22. Bà Nguyễn Bích Phẩm là vợ của liệt sĩ Trần Văn Thi - một trong những đối tượng chính sách được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà. Tiếp chúng tôi trong căn mới xây, bà Phẩm đã không giấu được cảm xúc: “Từ nay gia đình tôi sẽ không còn phải sống trong cảnh mưa dột gió lùa nữa. Tết nhất tới, có chỗ ở khang trang, ấm cúng, thờ phụng sáng sủa vầy gia đình tôi vui lắm”.
Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
Chia tay bà Phẩm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Trọng, xóm Bình Khang, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ông Trọng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ. Kết thúc chiến tranh, ông trở về địa phương mang trong mình thương tật 61% và ảnh hưởng của chất độc da cam. Gia đình lại không có thu nhập ổn định nên mọi chi phí đều phụ thuộc vào tiền chế độ của ông. Vì thế, khi được nhận khoản tiền 20 triệu đồng hỗ trợ sửa nhà, ông Trọng phấn khởi lắm: “Đối với gia đình tôi, căn nhà được hỗ trợ sửa chữa cho chắc chắn hơn là đáng quý rồi. Ngày trước, căn nhà này hư hỏng rất nhiều, ngày nắng thì không sao chứ mưa là khổ lắm nền nhà lầy lội do nhà dột. Nếu không có sự giúp đỡ, quan tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương thì không biết khi nào chúng tôi mới sửa được nhà. Có nhà mới tôi cũng thấy vui, xoa dịu đi phần nào nỗi đau mà tôi đã chịu đựng trong những năm tháng chiến tranh. Đây cũng là niềm động viên, khích lệ tinh thần để con cháu tôi tiếp tục phấn đấu lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc, sống xứng đáng là gia đình cách mạng gương mẫu”.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Nghị quyết 494, và Quyết định 22 đã được các bộ, ngành liên quan xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và luôn quan tâm chỉ đạo cũng như kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Các địa phương đã có nhiều cố gắng triển khai nhanh chóng, kịp thời, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan, hiện nay cơ bản đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của Quyết định 22 và đều thống nhất đây là chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp cải thiện về nhà ở cho người có công với cách mạng tốt hơn.
Học viện Quốc phòng trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Thái Bình
Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp theo quy định tại Quyết định 22, nhiều địa phương đã linh hoạt ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí, một số địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng nhà ở. Đối với các hộ gia đình được hỗ trợ, ngoài kinh phí Nhà nước cấp cũng đã tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt, vật liệu, nhân công… từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 1 (2013 - 2016), có 80.000 hộ người có công được triển khai hỗ trợ nhà ở, với nguồn kinh phí cấp từ ngân sách trung ương khoảng 2.500 tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2016 đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ (trong đó có 51.064 hộ xây mới và 40.238 hộ sửa chữa, cải tạo); đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ.
Chính sách xây nhà ở cho người có công là chiến lược tối ưu nhằm ổn định đời sống các gia đình chính sách. Là sự tri ân sâu sắc trước những công lao to lớn của các gia đình chính sách đối với độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi ngôi nhà là sự chung tay, góp sức của chính quyền địa phương đem lại niềm vui cho các gia đình chính sách khi Tết đến, xuân về. Trong mùa xuân này đã có hàng nghìn gia đình chính sách được quây quần, sum họp bên nhau trong căn nhà mới khang trang, thắm đượm nghĩa tình. Với những gia đình ấy, xuân này đẹp hơn bao giờ hết bởi bao mất mát, hy sinh, bao bộn bề của cuộc sống bấy lâu, nay đã dần lùi xa vào quá khứ, nhường chỗ cho những tình cảm ấm áp, những mầm xuân đâm chồi vươn xa.