Chính sách hỗ trợ nhà ở NCC:Thiết thực và ý nghĩa
- Tra cứu phẫu thuật
- 14:27 - 24/05/2015
Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Từ năm 2014, tỉnh Quảng Ninh chính thức triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng về nhà ở”. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 4.969 hộ gia đình NCC có nhu cầu xây, sửa nhà ở, trong đó xây mới 2.566 nhà; sửa chữa 2.411. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đơn vị chủ trì triển khai đề án, tính đến hết tháng 2-2015, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 4.711 nhà, đạt 95%, trong đó xây mới 2.417 nhà, sửa chữa 2.294 nhà.
Gia đình mẹ liệt sĩ Vũ Thị Nhít tại tổ 45, khu 12, phường Quang Trung, TP Uông Bí là hộ gia đình NCC vừa được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Căn nhà của mẹ Nhít tuy là nhà cấp 4 nhưng có diện tích sử dụng rộng đến gần 100m2 sàn, tường, hàng rào xây kiên cố, không gian thoáng đãng, kiến trúc hiện đại, thẩm mỹ nên rất vừa mắt.
Mẹ Nhít tâm sự: Cả nước có biết bao liệt sĩ, gia đình mẹ chỉ là một trong số đó thế nhưng cũng đã được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm lớn, giờ còn được hỗ trợ sửa nhà ở nên thật sự rất xúc động.
Trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở huyện Tây Sơn (Bình Định).
Cùng niềm vui với mẹ Nhít, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, thương binh hạng 1/4 tại khu Rặng Thông, phường Cộng Hoà, thị xã Quảng Yên cũng nằm trong diện được hỗ trợ xây mới nhà ở tâm sự: Đề án “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” lần này không hạn chế số lượng, tất cả NCC với cách mạng có nhu cầu về nhà ở đều được hỗ trợ, cho thấy ý nghĩa nhân văn lớn lao của đề án. Như vậy không chỉ có tôi mà các anh em, đồng đội của tôi đều được thụ hưởng.
Giống như gia đình mẹ Nhít, anh Thành, gia đình ông Lý Văn Kỳ, thôn Nà Báu, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang phấn khởi cho biết: “Gia đình chúng tôi biết ơn Nhà nước lắm, bao nhiêu năm vất vả nhưng cũng không xây được ngôi nhà kiên cố. Giờ được Đảng, Nhà nước cho tiền và xây được ngôi nhà thế này, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài niềm vui”.
Cũng được nhận kinh phí hỗ trợ trong năm 2014, thương binh Giàng Phái Lềnh, xã Phú Lũng (Yên Minh, Hà Giang) vui mừng chia sẻ: “Mình không còn nhiều sức lực để làm việc nữa, các con, các cháu trưởng thành mỗi đứa mỗi nơi, chúng nó cũng không có điều kiện nên không giúp được.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ chia sẻ của chính quyền địa phương, bà con dân bản nay gia đình tôi đã có căn nhà vững chãi chống chọi với cái nắng, cái rét. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền và bà con lắm!”.
Mỗi năm giành khoảng 2.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở NCC
Theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hơn 71 nghìn hộ gia đình có công với cách mạng theo danh sách mà 53 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có báo cáo.
Đến năm 2014, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cho gần 30 nghìn hộ (trong đó có 19.203 hộ được xây mới nhà ở và 10.354 hộ được sửa chữa, cải tạo lại nhà ở) và đang triển khai hỗ trợ cho 5.728 hộ (trong đó có 4.156 trường hợp xây mới và 1.572 trường hợp sửa chữa, cải tạo).
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công với cách mạng đang thực hiện, thì phát sinh thêm rất nhiều đối tượng cần được hỗ trợ. Sau khi các tỉnh, thành phố rà soát lại, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở lại tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng mà các địa phương báo cáo năm 2012.
Những địa phương có số lượng thống kê tăng nhiều như Hòa Bình tăng hơn 45 lần, Nghệ An tăng hơn 13 lần, Thanh Hóa tăng hơn 17 lần, tỉnh Phú Thọ tăng hơn 8 lần, thành phố Hà Nội tăng 17 lần…
Sau khi kiểm tra việc thực hiện chính sách, lắng nghe những góp ý của người dân, Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng thêm 4 năm (2015 – 2018). Kéo dài chính sách này, mỗi năm ngân sách Nhà nước phải lo khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngân sách Nhà nước có hạn, nhưng không thể không hỗ trợ nhà ở cho những có công với cách mạng đang khó khăn về nhà ở. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các cơ quan, Nhà nước cũng phải cộng đồng trách nhiệm để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa với những người không tiếc máu xương cho đất nước, dân tộc” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu quan.
Với quan điểm không bỏ sót người có công với cách mạng, hỗ trợ càng sớm càng tốt, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính sớm bố trí vốn để thực Quyết định 22 của Thủ tướng Chinh phủ.
Ngoài ra, sẽ cân đối ngân sách hàng năm để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho những người có công trong thời gian 4 năm tiếp theo. Nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là tính mỗi năm có bao nhiêu căn nhà phải làm, chi phí được duyệt sẽ chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH triển khai.
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng dù mới đi được nửa chặng đường, nhưng cũng là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa.