Hỗ trợ nhà ở người có công: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:29 - 27/09/2016
“Ngóng” tiền chính sách
Do căn nhà đã xuống nên sau khi Quyết định Hỗ trợ nhà ở người có công của Chính phủ được ban hành nhiều hộ gia đình đã nóng lòng vay mượn để xây, sửa lại nhà để rồi sau đó họ rơi vào tình cảnh ngóng chờ tiền chính sách. Bà Nguyễn Thị Lựu, vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Hiếu ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bởi cả gia đình đang sống trong nợ nần. Bà Lựu cho biết, năm 2013 gia đình được cán bộ phụ trách lao động - thương binh xã hội của xã Kim Nỗ thông báo là thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà, với số tiền 40 triệu đồng. "Tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì ngôi nhà đã quá xuống cấp nên cả gia đình vẫn quyết định đi vay tiền để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả sau. Mọi việc sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, gia đình bà Lựu đã có ngôi nhà mới, chỉ có điều chờ mãi tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu"- bà Lựu trải lòng.
Cũng giống như gia đình bà Lựu, khi chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì nhà ở quá xuống cấp nên mẹ liệt sĩ Phạm Thị Chương xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã vay mượn để sửa chữa. Mẹ Phạm Thị Chương cho biết: " Mặc dù nhà tôi đã xây xong 3 năm, nhưng đến nay chờ mãi chẳng thấy tiền hỗ trợ đâu. Nên dù được ở trong căn nhà mới khang trang hơn nhưng vẫn không vui vì tiền vay làm nhà vẫn chưa trả được mà tuổi thì ngày càng cao”.
Căn cứ Quyết định số 22/2013/ QĐ-TTg của Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 153 triển khai thực hiện xây, sửa nhà cho NCC. Theo đó, các đối tượng NCC thuộc diện được xây, sửa nhà sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo 2 mức: 40 triệu đồng/căn nhà xây mới và 20 triệu đồng/căn nhà sửa chữa. Kinh phí sẽ do Trung ương hỗ trợ 80%, 20% còn lại do thành phố đối ứng. Đây là chủ trương thiết thực, hợp lòng dân, được các địa phương nhanh chóng triển khai điều tra, lập hồ sơ trình lên cơ quan chức năng để hỗ trợ NCC xây, sửa nhà ở. Nhưng trong quá trình thực hiện lại gặp khó khăn, vướng mắc, khiến tiến độ thực hiện rất chậm.
Ông Hoàng Văn Hoàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh cho biết, trên địa bàn huyện có 557 hộ cần xây, sửa với tổng số tiền là hơn 16 tỷ đồng. Năm 2014, huyện nhận được 600 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước và đã cấp cho 30 hộ để xây, sửa. Từ đó đến nay, các hộ còn lại dù đã hoàn thiện hồ sơ, nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Không riêng huyện Đông Anh, đây là khó khăn chung của hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Nghĩa phản ánh: Mọi thủ tục hồ sơ đều được cơ quan chức năng phối hợp rất nhịp nhàng, vào cuộc ngay sau khi có kế hoạch của thành phố. Tuy nhiên, mấu chốt dẫn đến việc chậm trễ là do vốn của Trung ương chưa cấp về. "Chỉ cần vốn cấp về là mọi việc sẽ được giải quyết theo đúng lộ trình đã đề ra” - ông Nguyễn Đình Nghĩa khẳng định.
Huyện Tân Yên, Bắc Giang triển khai hỗ trợ nhà ở người có công.
Cần 6.900 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có công
Phó cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Kiên cho biết, do ngân sách chưa cấp đủ vốn theo quy định nên hầu hết địa phương đều thực hiện chậm so với yêu cầu. Việc phân bổ vốn có nơi không thống nhất, nhiều trường hợp huyện có nhiều hộ được hỗ trợ thì chỉ được phân bổ vốn ít và ngược lại. Từ đó dẫn đến việc phân bổ vốn dàn trải, có nơi thực hiện phân bổ đủ vốn được hỗ trợ cho các hộ, có nơi chỉ phân bổ 50% số vốn được hỗ trợ, số còn lại các hộ gia đình phải ứng trước kinh phí. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng khiến cho số hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cũng theo đó tăng lên.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chương trình đã dự kiến hỗ trợ nhà ở cho khoảng 72.000 hộ người có công với cách mạng căn cứ từ số liệu của 53 tỉnh báo cáo về Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011; trong đó, tổng vốn ngân sách Trung ương dự kiến khoảng 2.230 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng như việc rà soát từ các địa phương, tổng số lượng hộ cần hỗ trợ thực tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng khoảng 274.000 hộ và nhu cầu vốn ngân sách trung ương cũng tăng khoảng 7.200 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2013 đến 2015, Chương trình đã hỗ trợ cho khoảng 80.000 hộ của 63 địa phương (gồm 72.153 hộ của 53 địa phương đã có báo cáo Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội năm 2012 và 7.847 hộ được hỗ trợ bổ sung của 10 địa phương còn lại) với lượng vốn cấp từ ngân sách Trung ương để thực hiện khoảng 2.500 tỷ đồng. Hiện ngân sách Trung ương đã cấp đủ số kinh phí này.
Như vậy, giai đoạn 2 còn lại khoảng 265.700 hộ (gồm khoảng 104.700 hộ xây mới nhà ở và khoảng 161.005 hộ sửa chữa, cải tạo nhà ở) sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ trong 3 năm, từ 2016 đến 2018.
Năm 2016 bắt đầu triển khai giai đoạn 2 nhưng kết thúc quý I, Chương trình đã hoàn thành hỗ trợ cho 78.456 hộ (trong đó có 43.822 hộ xây mới, 34.634 hộ sửa chữa, cải tạo) và đang triển khai hỗ trợ cho 11.029 hộ gồm 5.728 hộ xây mới, 5.301 hộ sửa chữa, cải tạo. Hiện đã hoàn thành hỗ trợ tổng số 89.485 hộ trong diện được hưởng chính sách này, đạt 112% so với kế hoạch.
Theo mức hỗ trợ quy định, tổng số vốn ngân sách Trung ương còn phải cấp tiếp để hoàn thành Chương trình trong giai đoạn năm 2016 - 2018 là 6.900 tỷ đồng với bình quân mỗi năm cần khoảng 2.300 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ Chương trình này lấy từ ngân sách nhà nước, gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ từ 80-100% nhu cầu vốn theo tỷ lệ nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương của địa phương.
Chính sách Hỗ trợ nhà ở người có công là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình NCC, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, để nhân lên niềm vui cho các gia đình có công cần sự quan tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.