THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:46

Tạo điều kiện vay vốn để người khuyết tật phát triển kinh tế

Tạo điều kiện vay vốn để người khuyết tật phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Tạo điều kiện vay vốn để người khuyết tật phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Chị Phùng Thị Vượng, hội viên Hội NKT huyện Mê Linh cho biết, từ nguồn vốn được vay, chị đã mua máy xay xát lúa gạo và chăn nuôi lợn. Mỗi tháng trừ chi phí, chị còn thu về trên 3 triệu đồng. "Là NKT, lại có việc làm tại nhà, thu nhập hàng tháng, như vậy là ổn rồi! Mong rằng thêm nhiều hội viên như tôi được vay vốn để phát triển kinh tế, đồng thời giúp NKT thấy mình không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội nữa", chị Vượng chia sẻ.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều hội viên NKT gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Chị Nguyễn Thị Diệp, Hội viên Hội NKT huyện Đan Phượng chia sẻ, bản thân bị teo chân từ nhỏ, lại là mẹ đơn thân và nuôi 2 con nhỏ nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Trước chị dự định làm trang trại nuôi gà và lợn để có thêm nguồn thu nhập nên làm hồ sơ xin trợ cấp. Xã đã xét duyệt nhưng khi lên huyện thì không được. "Tôi mong NKT sớm được tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay chứ không phải qua các tổ chức khác để chủ động trong việc sản xuất kinh doanh", chị Diệp nói.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết: "Việc làm cho NKT chính là con đường bền vững, giúp họ có cơ hội hòa nhập vào thị trường lao động, tiếp cận việc làm, tự tạo việc làm (Kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, mở các dịch vụ may đo, sửa chữa điện tử, điện lạnh, photocopy…), từ đó khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, tự lực trong cuộc sống, tăng thu nhập, hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng".

Tại buổi tọa đàm "Đối thoại chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho NKT", đề cập về thực trạng việc tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NKT thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Trịnh Xuân Dũng, Trưởng Ban Việc làm Hội NKT TP Hà Nội cho biết, dù đã có hướng dẫn liên tịch 1914/HNM-HNKT-NHCSXH TP ngày 26/10/2017 về việc vay vốn đối với đối tượng là hội viên của Hội NKT, Hội Người mù từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của NKT vẫn gặp khó khăn. Đến nay, trên 70% xã, phường chưa thành lập Hội và Chi hội NKT, vì vậy NKT gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay tại các đoàn thể xã, phường.

Tạo điều kiện vay vốn để người khuyết tật phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Nhiều người khuyết tật bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng vẫn nghị lực, vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 Trong khi đó, một số hội đoàn thể tại địa phương e ngại NKT không có khả năng nợ. Ngoài ra, mỗi năm, việc tổ vay vốn thay đổi người phụ trách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc qua trình duyệt vốn vay cho NKT và không nắm được chính sách hỗ trợ NKT. "Đề nghị Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng CSXH, UBND và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NKT tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn; đồng thời, có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng CSXH đến hội đoàn thể tại địa phương dành riêng cho NKT", ông Trịnh Xuân Dũng kiến nghị.

Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho NKT, nhiều chính sách ưu đãi về vốn, học nghề cho NKT đã được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp NKT, nhất là việc tạo việc làm bền vững và việc tiếp cận với nguồn vốn vay đối với NKT vẫn là thách thức lớn.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện, cả nước có hơn 6,2 triệu NKT nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với NKT từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NKT là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm. Để NKT có việc làm bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT vào các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương; cần có cơ chế thực hiện hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của NKT. 

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh