THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:47

Hà Nội: Chương trình tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người khuyết tật

Qua hơn 18 năm được thành lập và triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã tập trung tranh thủ được nguồn vốn Trung ương và địa phương, triển khai giải ngân đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Hà Nội: Chương trình tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người khuyết tật - Ảnh 1.

Chương trình tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, các chương trình tín dụng chính sách được giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng đã giúp hộ vay vốn tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu, kế hoạch hằng năm của thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp luôn tập trung nguồn lực cho vay đối với các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn và được ưu tiên trước hết cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người mù, người khuyết tật, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất để gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Đối với địa bàn Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay, Chi nhánh NHCSXH thành phố đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ là 10.120 triệu đồng với trên 246.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó riêng dư nợ cho vay đối với người khuyết tật là 24,6 tỷ đồng với 631 khách hàng đang vay vốn tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu tại chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với dư nợ hiện tại là 22,7 tỷ đồng, 587 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 92% trên tổng dư nợ vay vốn của người khuyết tật tại NHCSXH TP Hà Nội. Đến nay qua kiểm tra giám sát các mô hình vay vốn đều làm ăn hiệu quả, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và tuân thủ nghiêm túc việc trả nợ gốc và lãi theo quy định.

Cũng theo Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, thực tế cho thấy, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với người khuyết tật còn gặp phải một số khó khăn, nhất là từ thời điểm nguồn vốn ngân sách thành phố không phân bổ cho Hội Người mù quản lý, Hội Người khuyết tật mà chuyển sang phân bổ tập trung về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý, và triển khai chung với các đối tượng chính sách khác, cụ thể như: hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được thông tin tín dụng chính sách hoặc bản thân còn e ngại không muốn làm thủ tục vay; một số nơi chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) chưa tạo điều kiện để người khuyết tật gia nhập Tổ TK&VV làm thủ tục vay vốn hoặc chưa tạo điều kiện trong khâu xác nhận đối tượng vay, bình xét vay...

Hà Nội: Chương trình tín dụng chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người khuyết tật - Ảnh 3.

Tính đến nay, dư nợ cho vay đối với người khuyết tật là 24,6 tỷ đồng với 631 khách hàng

Để khắc phục được những khó khăn này, trong thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp với Hội Người mù, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận như chủ động tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH, chính quyên địa phương các cấp chỉ đạo về việc tạo điều kiện đối với người khuyết tật, người mù.

Thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn của người mù, người khuyết tật trên địa bàn để có cơ sở làm việc với các tổ chức chính trị xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi, đa dạng hóa các kênh thông tin và hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền qua kênh của hội người mù, người khuyết tật để người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn trong đó có người mù, người khuyết tật được tiếp cận, nắm bắt kịp thời và làm hồ sơ thủ tục vay vốn nếu có nhu cầu và đủ điều kiện.

Hội Người mù, người khuyết tật trên địa bàn chủ động rà soát và cung cấp cho NHCSXH các thông tin về mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả của hội viên, nhất là những cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động là người mù, người khuyết tật để phối hợp tạo điều kiện cho các mô hình này tiếp cận được với tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Gắn việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với các chương trình của Hội về đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật...để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.


CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh