CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Nguyễn Đức Thể - Tấm gương vượt lên số phận tại Trung tâm Phục hồi chức năng NKT Thụy An

Với những thành quả đạt được, cùng với những bước đi đổi mới và phát triển theo mô hình phục hồi chức năng toàn diện và khép kín cho người khuyết tật toàn miền Bắc, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Bộ LĐ-TB&XH) luôn là địa chỉ lý tưởng và tin cậy cho các đối tượng có nhu cầu. Để cho nhiều người khuyết tật đang gặp hoàn cảnh khó khăn được tham gia thụ hưởng chính sách về an sinh xã hội.

Nguyễn Đức Thể tấm gương vượt lên số phận tại Trung tâm Phục hồi chức năng NKT Thụy An - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Thể chính là một tấm gương mẫu mực về tinh thần và nghị lực vượt lên số phận

Bên cạnh đó, các em còn được học một số nghề để tự lập cuộc sống sau này, như: nghề may, nghề làm hương thơm, nghể làm tranh đá quý, tranh khắc gỗ bằng bút lửa, nghề đan làn thủ công, làm hoa lụa, hoa đá, nghề nấu ăn.

Hiện nay, Trung tâm đang có gần 200 học sinh khuyết tật vừa theo học văn hóa, vừa học nghề tại khoa Giáo dục đặc biệt và phòng Hướng nghiệp dạy nghề.

Sau khi học xong văn hóa và học nghề, nếu có nhu cầu các em được giới thiệu và chuyển hồ sơ học bạ cơ sở đào tạo khác để tiếp tục học đến hết THPT và học tiếp lên Cao đẳng sư phạm, một số em được giới thiệu việc làm cho các công ty may, công ty chuyên làm đồ da dụng, hoặc trở về địa phương lập nghiệp.

Câu chuyện của Nguyễn Đức Thể, sinh năm 1981, người dân tộc Mường, sống ở vùng rừng núi cao thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là một trong những tấm gương vươn lên số phận ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Là một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô, tuấn tú. Cũng giống như bao cậu thanh niên khác, Thể ôm trong mình những hoài bão và ước mơ cháy bỏng về một tương lai tươi đẹp…

Nguyễn Đức Thể tấm gương vượt lên số phận tại Trung tâm Phục hồi chức năng NKT Thụy An - Ảnh 2.

Trung tâm là "ngôi nhà chung" nhiều cây xanh, và là mái ấm tràn đầy yêu thương của các em

Đang học lớp 11, là học sinh giỏi văn của huyện Lương Sơn, Thể mong ước sau này sẽ trở thành một người thầy giáo, đem cái chữ về soi sáng cho những cái đầu của các em nhỏ trong buôn làng thân yêu của mình.

Nhưng rồi, căn bệnh viêm đa xương khớp quái ác bỗng đâu đè nặng xuống cơ thể cậu thanh niên đang tràn trề nhựa sống, làm mất dần khả năng vận động bình thường của đôi chân.

Thể được gia đình tìm kiếm các nơi chữa trị mấy năm trời mà bệnh của Thể vẫn không có kết quả. Đôi chân của em hoàn toàn mất kiểm soát. Đau đớn về thể chất, thất vọng và suy sụp về tinh thần đã trở thành một cú sốc mạnh, giáng xuống bản thân em và gia đình.

Cũng có thời gian, Thể đã trở nên tiêu cực, chán nản, tuyệt vọng, không còn niềm tin và hy vọng vào tương lai, sống buông xuôi, phó mặc cho số phận không may mắn của mình. Tưởng chừng cú sốc ấy sẽ quật ngã và dập tắt hoàn toàn mọi ước mơ, hy vọng về cuộc sống tương lai, mọi thứ như hoàn toàn sụp đổ, nhưng không, bạn ấy đã đứng vững và cố gắng vươn lên để vượt qua số phận.

Nhưng may mắn khi đầu tháng 4 năm 2007, Thể được Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận vào chăm sóc và điều trị phục hồi chức năng.

Thể được sắp xếp lịch điều trị phục hồi chức năng vào buổi sáng, buổi chiều vào các lớp học nghề để sau này thành thạo một nghề gì đó, giúp em có thể tự lập cuộc sống. Ban đầu, Thể được Trung tâm cho học Tin học, sau đó chuyển sang nghề làm hương thơm. Thể rất vui vì mình vẫn có thể học được nghề và làm ra được nhiều sản phẩm có ích cho xã hội. Vì vậy, em rất cố gắng tích cực làm tốt nghề làm hương thơm.

Sau một thời gian, nhận thấy Thể có đôi bàn tay khéo léo, có tâm hồn thi họa, khiếu thẩm mỹ, cùng với tinh thần nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, nên năm 2011, các thầy cô trong Trung tâm đã cử Thể cùng 02 giáo viên đi học nghề làm tranh đá quý tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thọ Toàn ở Hà Nội.

Tinh thần ham học ham làm, nhiệt tình sáng tạo đã giúp Thể nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật cơ bản và các bí quyết chính để làm nên những bức tranh phong thủy bằng đá thạch anh tự nhiên rất đẹp.

Trở về Trung tâm sau 06 tháng miệt mài học tập, Thể trở thành nhân vật nòng cốt của lớp Tranh đá quý, vừa trực tiếp làm ra nhiều bức tranh đẹp, em vừa hướng dẫn các bạn học sinh khác về kỹ thuật làm tranh.

Lúc rảnh rỗi, ngoài niềm vui và sở thích làm thơ, viết bài gửi đăng các báo, Thể lại suy nghĩ và sáng tạo ý tưởng làm tranh đá.

Cứ như vậy, gần chục năm nay em say mê với công việc mà mình yêu thích, đôi khi làm thông cả giờ ăn trưa và các ngày nghỉ cuối tuần. Tranh của Thể không những đẹp mà còn có sức sống, sinh động và sáng tạo, được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế ưu chuộng.

Ai ghé thăm Trung tâm cũng muốn mua một bức tranh của Thể về làm kỷ niệm, treo ở nhà, trang trí nơi công sở, hoặc tặng người thân.

Mỗi khi đoàn cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH, hoặc các đoàn ngoại giao của Chính phủ ra nước ngoài công tác, đều đặt mua hàng chục sản phẩm tranh đá quý, để làm quà lưu niệm cho các bạn bè quốc tế.

Thấy sản phẩm của mình có giá trị và ý nghĩa cho xã hội, Thể vui mừng hạnh phúc lắm.

Đó chính là động lực rất to lớn, để giúp em tiếp tục khẳng định bản thân, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đúng như câu nói: "tàn nhưng không phế".

Nguyễn Đức Thể chính là một tấm gương mẫu mực về tinh thần và nghị lực vượt lên số phận, đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm, học tập và noi theo.

Trần Ngọc Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh