Tài năng sân khấu: Đã hiếm còn bị phí
- Văn hóa - Giải trí
- 01:35 - 11/10/2015
Con nhà nòi không muốn theo nghiệp cha
Giờ đây, thật khó tìm được một người là “con nhà nòi” hoặc sinh ra và lớn lên ở thành phố theo học diễn viên kịch hát dân tộc. Nói vậy, không có nghĩa phủ nhận tài năng của những sinh viên nông thôn theo đuổi con đường nghệ thuật truyền thống, mà chỉ để nhận ra rằng, môn nghệ thuật này không còn là sự lựa chọn của những người có “điều kiện theo nghề” nữa.
Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều con em các nghệ sĩ kịch hát dân tộc có giọng hát hay nhưng không theo nghề bố mẹ, mà thường thi vào khoa quay phim, đạo diễn truyền hình. Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ ở khoa mình, các em vẫn đứng lên hát chèo, cải lương. Tôi hỏi các em, hát hay thế sao không thi vào khoa kịch hát dân tộc theo nghề bố mẹ, các em chỉ cười. Điều dễ hiểu là trước khi lựa chọn ngành nghề nào, các em đều đã tìm hiểu kỹ.
Cũng theo ông Hiệp, trong khi diễn viên kịch hát rất được thầy giáo cưng chiều, lại được giảm 70% học phí và thường ra trường là có việc làm ngay thì chẳng mấy ai chọn. Ngược lại, học điện ảnh, truyền hình đóng toàn bộ học phí, làm bài tập rất tốn kém, song lượng học sinh thi vào luôn đông. Hiện tượng dễ nhận thấy là các tài năng của kịch hát truyền thống đang bị “chảy máu” sang các ngành nghề khác.
Hàng chục năm trước, một gia đình nghệ sĩ thường có nhiều thế hệ theo nghiệp diễn viên kịch hát, theo kiểu cha truyền, con nối, nay hiện tượng này hầu như không còn tồn tại. Thời đó, dạy sinh viên rất sướng vì các em chính là con cái của bạn bè mình, được sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ nên ngấm, vừa biết hát vừa biết diễn, múa. Vừa nói đã hiểu ngay ý thầy. Bây giờ hầu hết sinh viên kịch hát dân tộc đều xuất thân từ nông thôn, trong gia đình thuần nông. Các em có chất giọng khá, song chưa hiểu thực chất nghệ thuật là gì, chỉ biết một cách mơ hồ, cứ nghĩ làm diễn viên là được bay bổng với những vai diễn công chúa, tiểu thư. Có những em quyết không đóng vai xấu, vai đểu vì sợ người ta nghĩ mình cũng giống thế. Có em giọng khỏe song tay chân, vóc dáng lại thô, nên múa rất cứng. Sự “ngây thơ” của các sinh viên ngày nay khiến các thầy cô mệt hơn rất nhiều. Họ không chỉ dạy mà còn phải “dỗ”, chỉ sợ những giọng ca tốt sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Có em nghĩ mình hát hay, được các nghệ sĩ tuyển chọn thì chắc sẽ trở thành diễn viên giỏi, mà không biết rằng để đạt được điều đó còn phải trải qua quá trình rèn luyện nhọc công. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng diễn viên kịch hát truyền thống thua kém so với ngày trước. Sự thiếu hụt các diễn viên “con nhà nòi” là điều đáng buồn của sân khấu truyền thống.
Tỏa sáng khi... không còn đẹp?
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai tâm sự: “Tôi nhận vai chính đầu tiên năm 17 tuổi, độ tuổi trẻ đẹp nhất, giọng ca và cảm xúc đang “sung”, vì thế có sức hấp dẫn trên sân khấu. Bây giờ diễn viên tốt nghiệp đã 22, 23 tuổi. Khi được nhận về nhà hát cũng phải tập sự vài năm nữa, đến lúc được đóng đào chính, kép chính thì đã bớt đi nhiều sức hấp dẫn. Đặc biệt, những diễn viên nữ, ra trường có khi lấy chồng, sinh con rồi mới lo sự nghiệp diễn viên”. Nữ đạo diễn cho biết, chị rất khó chọn diễn viên đóng vai chính, nhất là khi nhân vật chỉ 15 -17 tuổi. Đấy là chưa kể, diễn viên trên dưới 25 tuổi không phải ai cũng đủ sức nhận vai chính, lúc ấy đành lấy người trung tuổi. Như vậy sân khấu mất đi độ tươi trẻ cần thiết.
Ông Thanh Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết, Nhà hát thường tự tuyển diễn viên và công việc này bây giờ vô cùng khó. Em nào vừa xinh vừa thông minh thì chưa chắc muốn làm diễn viên bởi với họ cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn không thiếu. Nếu em nào theo nghề diễn, được trời phú cho nhan sắc thì cũng chỉ vài năm. Tuổi thọ của nhan sắc không dài. Sân khấu muốn tạo sự hấp dẫn cần phải tận dụng những lúc diễn viên đạt độ “đỉnh” của sắc đẹp và tài năng. Nhưng lúc trẻ đẹp nhất thì các em phải học, học xong, biết nghề thì nhan sắc ít nhiều tàn phai.
Thành Đoàn, sinh viên k32, lớp diễn viên Chèo (Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) tâm sự: “Em mê và ước mơ trở thành diễn viên chèo từ nhỏ. Nay em đã 21 tuổi, nếu được đứng trên sân khấu ngay từ bây giờ thì tốt, chứ chờ đến lúc tốt nghiệp thì... hơi lâu vì còn những hai năm nữa”. Lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh trước kia chỉ đào tạo hệ cao đẳng, nay đã được nâng lên bậc đại học, tức phải học 4 năm.
Theo đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, việc tuyển chọn diễn viên không nhất thiết chờ đến khi các em đủ 18 tuổi và đã thi tốt nghiệp cấp 3 mà nên tuyển khi các em vừa học xong cấp 2, rồi vừa đào tạo văn hóa, vừa đào tạo nghề diễn. Như thế, mới có thể tận dụng được tài năng và nhan sắc của các em trên sàn diễn.