Khán giả ào lên sân khấu tặng tiền "vua nhạc sến" Vinh Sử
- Văn hóa - Giải trí
- 22:37 - 02/08/2015
Mặc dù thời tiết không chiều lòng người, đúng ngày diễn ra đêm nhạc “Hai bàn tay trắng” tôn vinh những nhạc phẩm và sự nghiệp sang tác của nhạc sĩ Vinh Sử, thì Hà Nội đổ mưa không ngớt, nhưng điều đó đã không ngăn cản những khán giả yêu nhạc Vinh Sử tới Nhà hát lớn.
Và nói như ca sĩ Lệ Quyên khi chia sẻ về ca khúc “Không giờ rồi” mà cô thể hiện, rằng mỗi khi hát cô nhìn xuống khán giả thấy có những vị khán giả tủm tỉm cười. Cô đoán đó là bởi bài hát đã nhắc họ nhớ lại những kỷ niệm một thời của mình, gắn với kỷ niệm nào đó của họ, nên đó là lý do mà ca khúc cứ sống mãi trong cuộc sống qua những ca từ giản dị, chân thành, ý nghĩa.
“Không giờ rồi” là nhạc phẩm nổi tiếng của Vinh Sử đã gắn với tên tuổi rất nhiều ca sĩ, Lệ Quyên cũng là một trong những người thể hiện thành công nhạc phẩm này. Ca khúc nói về tình cảm đôi lứa, lo lắng cho nhau mọi điều cơm áo gạo tiền, tinh thần… Nhạc Vinh Sử vốn được biết đến với những ca khúc “nhạc sến”, ông luôn nói ông viết bài hát cho người bình dân nghe, dễ nghe, dễ hiểu, nói lên tâm tư, tình cảm của người bình dân, chính vì vậy, sân khấu đêm nhạc cũng là những hình ảnh giản dị, dễ gần với mái nhà rơm quê kiểng quen thuộc, giàn mướp, con đò, những giọt mưa lang thang mơ mộng mà trữ tình…
Lệ Quyên trong đêm nhạc
Đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Quang nói, anh đã nghe rất nhiều, nghiên cứu rất nhiều nhạc Vinh Sử trước khi làm chương trình, nên anh muốn xây dựng một sân khấu mang đúng tâm hồn ông: giản dị, chân thành, mà cũng nhiều suy tư… Tâm hồn, con người Vinh Sử qua âm nhạc dường như đã được thể hiện phần nào qua hình ảnh ấy.
Nhạc sĩ Vinh Sử đã nghẹn ngào, xúc động khi xuất hiện trên sân khấu, dáng đi có vẻ cặm cụi, khổ hạnh của ông khiến khán giả bùi ngùi, ông không biết nói gì nhiều, chỉ biết nói lời cảm ơn khán giả: “Lần đầu tiên tôi đến đây, được tổ chức đêm nhạc ở thánh đường nhà hát, tôi rất xúc động…”
Đêm nhạc bắt đầu bằng nhạc phẩm “Năm 17 tuổi” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Vinh Sử qua giọng hát nữ ca sĩ Hạ Vân. Đây là một trong những sáng tác thời kỳ đầu khi ông bắt đầu nổi tiếng. Ca khúc "Làm dâu xứ lạ" (danh hài Chiến Thắng- Hạ Vân thể hiện), "Vòng nhẫn cưới" (Chiến Thắng), "Không còn nhớ người yêu", "Vẫy tay chào" (ca sĩ Bách Nguyễn thể hiện)… cũng nối tiếp những thành công thuở ban đầu của ông.
Đây cũng là những ca khúc đã giúp nhạc sĩ Vinh Sử một bước từ đi bộ đến việc mỗi bài hát bán ra có thể mua hẳn được chiếc xe hơi một thời.
Nhạc sĩ Vinh Sử từng chia sẻ, mỗi bài hát của ông đều gắn với một bóng hồng nào đó, ca khúc ca sĩ Bảo Khánh thể hiện “Qua ngõ nhà em” là kỷ niệm không quên của nhạc sĩ Vinh Sử khi ông yêu thầm một cô gái, đi qua ngõ nhà cô hàng ngày, viết cho cô biết bao lá thư tình mà không được hồi âm.
Với giọng hát ngọt ngào, tình cảm, ca sĩ Bảo Khánh đã chiếm được cảm tình của khán giả khi lần đầu đứng trên sân khấu Thủ đô.
Cùng với ca khúc "Nhẫn cỏ trao em", "Đoạn buồn đêm mưa", ca sĩ Bảo Khánh cũng được đặc biệt hát ca khúc mới của nhạc sĩ “Lỗi hẹn cùng Tôn nữ”, một ca khúc ông viết cho người con gái Huế mà ông từng thương thầm khi còn đi học, nhưng sau này hai người xa cách nhau và gặp lại khi cả hai cũng đã lớn tuổi.
Hình ảnh sông Hương với con đò nhỏ, cô lái đò đội nón bài thơ quen thuộc cũng được tái hiện trên sân khấu khá lãng mạn, chuyên chở tình cảm của người nhạc sĩ với người Tôn nữ năm nào.
Cũng là một ca khúc mới được giới thiệu đến khán giả là bài “Thương quá cha tôi” do ca sĩ Ngọc Châm thể hiện. Nhạc sĩ Vinh Sử chia sẻ trên sân khấu, ông viết bài này khi nằm ở bệnh viện Gia Định để chữa trị bệnh ung thư. Khi đó, ông đã nghĩ mình “gần đất xa trời” rồi nên miên man nhớ đến người thân, bè bạn.
Ngày nhỏ, do quậy phá quá nên ông thấy mình cũng đã làm khổ ba mẹ nhiều, nằm trong viện ông nghĩ thương ba, thương mẹ nhiều lắm nên đã viết “Thương quá cha tôi” và “Thương quá mẹ tôi”.
Đồng cảm với ca khúc này, ca sĩ Ngọc Châm cũng muốn thể hiện để dành tặng người cha của mình, người đã luôn ở bên cạnh, động viên cô những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống, công việc, “tiếp sức” cả về vật chất lẫn tinh thần để cô có thể theo đuổi giấc mơ.
Nữ ca sĩ đã nghẹn ngào rơi lệ vì nghĩ đến tình cha đã vất vả vì con gái sớm hôm đến giờ này vẫn chưa hết bao lo lắng bộn bề…
Xuất hiện trong chiếc đầm xanh cúp ngực quyến rũ, ca sĩ Lệ Quyên xuất hiện đã khiến khán phòng bồi hồi theo tiếng hát ấm, khan khan đặc biệt của cô. Lệ Quyên thể hiện liên tục các ca khúc của nhạc sĩ: "Gõ cửa trái tim", "Đêm lang thang", "Không giờ rồi", "Nối lại tình xưa"…
Lệ Quyên cho biết, cô hát khá nhiều các nhạc phẩm của nhạc sĩ Vinh Sử, bởi với dòng nhạc bolero, các nhạc phẩm của nhạc sĩ Vinh Sử rất nổi tiếng mà hầu hết ca sĩ hát dòng nhạc này đều yêu mến.
Ca khúc “Gõ cửa trái tim” lần đầu tiên Lệ Quyên hát một mình trên sân khấu, bình thường cô hay hát cùng Quang Lê hoặc các nam ca sĩ khác, tuy nhiên, hát một mình lần này cũng đã cho Lệ Quyên những cảm xúc khác biệt mà cô thấy thú vị.
Lệ Quyên bồi hồi: “Hôm nay là một ngày mà Hà Nội khá dịu dàng, hơi lạnh dù mưa rơi một chút, nhưng điều đó rất hợp với đêm nhạc đầy tâm trạng và mang tính tự sự của nhạc sĩ Vinh Sử như thế này”. Cô cảm ơn khán giả Hà Nội tới với nhạc sĩ , ủng hộ nhạc sĩ dù tiết trời mưa gió.
Với chủ đề “Hai bàn tay trắng”, chủ đích để nói lên những tâm tư, nỗi lòng của người nhạc sĩ đã một thời vàng son, trở về tuổi già với “Hai bàn tay trắng”, đêm nhạc gây xúc động khi kết cấu đa phần là những ca khúc nhiều nỗi niềm như “Khổ tâm” (Hồ Quang 8 thể hiện), rồi chuyện tình yêu dang dở, thất tình như "Nhẫn cỏ trao em", "Trả nhẫn kim cương"…..
Vui tươi nhất có lẽ là “Nối lại tình xưa” do Lệ Quyên thể hiện, về câu chuyện duyên tình xa cách nhưng đã ấm lại khi trở về với nhau.
Dù mang nhiều tính tự sự, nhiều ca khúc với chuỵện tình dở dang, nhưng đêm nhạc không hề buồn mà khiến những khán giả yêu nhạc bolero đã không muốn rời khỏi ghế ngồi khi đêm nhạc kết thúc.
Với họ, ký ức về những giai điệu vàng son ấy dường như chưa bao giờ cũ, chưa bao giờ nằm yên trong ký ức. Những cung bậc cảm xúc khi dịu dàng, khi da diết, khi lắng đọng, khi lại thật nồng nàn… qua các nhạc phẩm của Vinh Sử đã hoà quyện với nhau, say đắm, đánh thức những kỷ niệm nào đó thật xa xôi trong mỗi người.
Nhạc sĩ Vinh Sử chia tay khán giả trong lời nói đơn giản như chính con người ông: “Tôi không biết nói gì nhiều, nói nhiều lại sợ người ta bảo nói dóc, tôi chỉ biết cảm ơn khán giả đã cho tôi có được ngày hôm nay”. Sự giản dị, chân thành và thật thà của nhạc sĩ Vinh Sử khiến khán giả càng thương mến ông nhiều hơn.
Nhạc sĩ Vinh Sử nhận tiền của khán giả tặng
Ngay sau lời tạm biệt, nhiều khán giả đã ào lên tặng hoa và… tiền cho nhạc sĩ. Do không chuẩn bị trước nên khán giả đã vội hùn tiền nhau lại ngay tại sân khấu, hoặc đưa trực tiếp tiền mặt… không bỏ vào phong thư, tặng nhạc sĩ. Người ít, người nhiều, khán giả tặng nhạc sĩ với tấm lòng chân thành, với sự cảm ơn những tài hoa mà ông đem đến cho cuộc sống này.
Có khán giả còn “trách yêu” chương trình là không thông báo từ sớm để có thể chuẩn bị tốt hơn quà tặng cho nhạc sĩ.
Với tình cảm sâu sắc của khán giả, nhạc sĩ Vinh Sử đã nhận được gần 50 triệu đồng từ khán giả ủng hộ ngay tại sân khấu. Ông tâm sự, khán giả đã rất thương ông, và ông chắc chắn sẽ khoẻ mạnh hơn, muốn cống hiến nhiều hơn cho đời, chính từ tình cảm đó.