THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:58

Sân khấu thiếu nhi: Vẫn chỉ là “món ăn” theo mùa

 

Từ thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, không chỉ ở các thành phố lớn, mà khắp các tỉnh thành trong cả nước đều tràn ngập băng rôn quảng cáo những chương trình cho trẻ em, với đầy đủ các thể loại như: kịch, chèo, ảo thuật, xiếc, ca nhạc... dành cho thiếu nhi. Ở sân khấu phía Bắc có thể kể đến Nhà hát tuổi trẻ với vở kịch vui "Dế mèn phiêu lưu ký". Đây là lần đầu tiên anh chàng Dế Mèn trong truyện dài nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài được lên sân khấu nên được không ít khán giả háo hức chờ đợi. Ngoài ra, các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Tiên hắc ám, mèo Oggya chú gián, công chúa Aurora… cũng có mặt trong chương trình ca múa nhạc "Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 2". Tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) là chương trình "Âm mưu của đại ma vương". Chương trình đã được hai nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long dàn dựng từ năm ngoái và vẫn tiếp tục phục vụ khán giả mùa hè này. Ngoài chương trình xiếc "Rừng xanh và muông thú" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các em thiếu nhi tại Thủ đô có thêm sự lựa chọn vào thực đơn giải trí của mình chương trình "Zen magic - Ảo thuật thiền" của hai nữ nghệ sĩ tài danh Nhật Bản tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Danh hài Minh Vượng cũng khiến các em cười nắc nẻ khi vào vai bà tiên trong "Những điều ước thần kỳ" hợp tác cùng Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhà hát Kịch Việt Nam năm nay cũng không quên khán giả nhí bằng vở nhạc kịch "Chuyện chàng dũng sĩ"…

 

Cảnh trong vở "Âm mưu đại ma vương" của Xuân Bắc- Tự Long

 

Trong khi đó, sân khấu TP Hồ Chí Minh rầm rộ không kém, cả hai sân khấu là Hoàng Thái Thanh và Idecaf đã công diễn 2 vở mới cho trẻ em là "Lọ Lem và hoàng tử" và "Nàng công chúa đi lạc". Sân khấu Sao Minh Béo của nghệ sĩ hài Minh Béo dù mới được thành lập nhưng cũng đã kịp hoàn thiện vở ca múa nhạc kịch thiếu nhi "Nữ thần Mặt trăng". Hay sân khấu Sen Việt cũng mang đến cho khán giả nhí "Chuyện tình hoa sim" với màu sắc dân gian, thần thoại. Nghệ sĩ Lê Hay cũng cho ra sân khấu mới tại đường Tân Kỳ - Tân Quý với những vở chuyên cho thiếu nhi như "Út Bự và bầy hổ", "Ngưu vương náo nhân gian", "Siêu quậy tí hon"…

Nhiều, phục vụ khán giả nhí một cách dồn dập trong vài tuần rồi… nghỉ là thực trạng lâu nay của sân khấu dành cho thiếu nhi. Một trong những lý do các đơn vị nghệ thuật đưa ra là làm chương trình cho thiếu nhi không có lãi, mặt khác, xét về thực lực thì đầu tư chương trình chất lượng cao, quy mô cũng khó có thể cạnh tranh với truyền hình, với các loại hình giải trí khác. Một thực tế đáng buồn nữa là có bao nhiêu % các phụ huynh tự bỏ tiền ra mua vé cho con em mình đi xem kịch? Phải nói là con số rất ít. Vì thế đa phần các chương trình được dàn dựng, chỉ để bán vé cho các đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp chứ cũng hiếm khi có khách lẻ. Dường như, chính từ tâm lý ấy mà nhiều nhà hát cũng không dám mạnh tay đầu tư dàn dựng kịch dành cho thiếu nhi trong khung biểu diễn định kỳ, chỉ biểu diễn theo mùa rồi… đợi vụ sau.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, các chương trình thiếu nhi của chúng ta hiện nay đã thực sự đủ sức hút khán giả nhí chưa? Đã thực sự khiến phụ huynh nghĩ rằng phải cho con em mình đến xem bằng được chưa? Hay vẫn chỉ là những vở diễn được xây dựng theo kịch bản theo những câu chuyện cổ tích, của những nhân vật hoạt hình, những bài hát cũ, những câu chuyện hay cách diễn xuất na ná nhưng năm trước thì có thể giữ chân được khán giả nhí hay không? Ngay các đạo diễn trong Nam ngoài Bắc cũng phải thừa nhận, đề tài cho thiếu nhi cực kỳ khan hiếm, phần lớn các kịch bản hiện nay do đạo diễn tự chế từ ý tưởng các truyện cổ tích, sau đó cho thêm những phần hài hước, gây cười chứ thực sự chưa xây dựng được một đội ngũ cây bút viết kịch bản cho thiếu nhi.

Nghệ sĩ hài Xuân Bắc - người tiên phong xây dựng chương trình định kỳ, hàng tuần dành cho thiếu nhi cho biết, nhu cầu giải trí của thiếu nhi hiện nay chưa được đáp ứng thỏa đáng. Theo Xuân Bắc, điều này có lí do hai chiều. Thứ nhất, lí do từ “cung” – “cầu”, nhưng ở đây là do “cầu”. “Cầu” là những ngày bình thường các bậc phụ huynh luôn có cảm giác mua vé cho trẻ em là thừa và trẻ em không cần phải xem gì nhiều. Ngoài ra, hàng ngày các em phải học tập và đâu đó có một bộ phận không nhỏ các ông bố, bà mẹ cho các con đi học thêm, trau dồi kiến thức văn hóa rất nhiều. Thứ hai, từ việc không có nhu cầu nên những người làm chương trình hay các nhà hát, những đơn vị xã hội hóa bỏ ra hàng trăm triệu đầu tư cho một vở diễn thì cũng khó có cơ hội thu hồi vốn. “Tôi thấy ở nhiều nơi và ngay chính ở Hà Nội, nhiều bố mẹ không quan tâm một các thấu đáo đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là phát triển về nhân cách, nhận thức về các đẹp, những giá trị nhân văn mà các em cần có trong cuộc sống. Chỉ có dịp 1/6, nhà nhà, người người tổ chức chương trình cho thiếu nhi thì các em mới có cơ hội đi xem. Đành rằng đó là những ngày đặc biệt, tổ chức chương trình đặc biệt là đúng, nhưng thường ngày ít có sân chơi cho các em và sự quan tâm về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các em chưa thấu đáo” – Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ.

Đăng Khoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh