THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:40

Sân khấu Việt đang trong kỳ khốn khó

Cảnh trong vở “Táo y tế kiểu mẫu” của Nhà hát Tuổi trẻ.      Ảnh: NĐ

 

* Với tư cách một nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn, ông nhận xét gì về tình hình sân khấu những năm qua?

- Nhiều năm gần đây, các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp trong cả nước vẫn  trầy trật tiếp cận khán giả, nhưng khán giả vẫn tỏ ra không mặn nồng đối với các vở diễn. Có nhiều lý do và người ta cũng nói nhiều rồi, song cái chính là chúng ta thiếu những kịch bản hay. Không có cái gốc tốt thì đạo diễn có là phù thuỷ đi chăng nữa cũng khó dàn dựng thành một tác phẩm sân khấu hay. Chúng ta đang khủng hoảng đội ngũ tác giả trẻ cả về lượng lẫn chất. Nếu tôi nhớ không lầm thì hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu hiện nay có khoảng 100 tác giả, song người có tác phẩm dàn dựng thường xuyên thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một thực tế dễ nhận thấy là các tác giả đang bế tắc về phương pháp sáng tạo. Người cầm bút hôm nay đang nhìn nhận, đánh giá cuộc sống bằng lăng kính chủ quan và hết sức mơ hồ.

* Là một tác giả, ông có thấy mình cũng bế tắc như họ?

- Tôi thì không bế tắc về sáng tác, nhưng lại bế tắc về thời gian do bận làm công tác quản lý. Có nhiều điều tôi đang trăn trở, đau đáu nhưng chưa có cơ hội thể hiện. Đây cũng là khiếm khuyết của người cầm bút. Tôi đã tạo cho mình một thói quen trải nghiệm. Mỗi khi đi đâu, làm gì tôi đều có ý thức tiếp nhận cuộc sống, tích luỹ vốn liếng để gom góp thành một cái kho. Tôi ao ước bỗng nhiên có vài tháng trời không vướng bận điều gì, chỉ một mình với trang giấy để biến những điều đang trăn trở thành tác phẩm.

* Ông có nghĩ rằng, một số tác giả cũng đang bận làm một công việc gì đó nên chưa hoàn tâm toàn ý cho việc sáng tác, nên đội ngũ của chúng ta mới bị khủng hoảng như thế?

- Nhìn lại 10, 15 năm, tôi qua chưa thấy loé lên tác giả nào có năng khiếu, khát vọng và khả năng tiếp nhận cuộc sống để đi theo nghề cầm bút cả. Cũng có thể họ có năng khiếu nhưng thiếu khát vọng mà nghề cầm bút rất khắc nghiệt. Anh phải cháy hết mình với tác phẩm, với nhân vật, với vấn đề anh đề cập, phải hy sinh nhiều thứ, thậm chí là trách nhiệm đối với gia đình, con cái thì mới có được tác phẩm ưng ý và xã hội cần. Nếu có khả năng mà không dám cháy, ngại gian khổ thì khả năng ấy rồi cũng bị chôn vùi mà thôi.

* Làm nghề cầm bút phải hy sinh rất nhiều, song những gì tác giả nhận được liệu có tương xứng với sự hy sinh ấy?

- Trong quá khứ, nhiều tác giả phải hy sinh rất nhiều, và vinh quang đến với họ cũng rất lớn, như Xuân Trình, Lưu Quang Vũ. Ông cụ thân sinh ra tôi là bạn của Xuân Trình nên tôi biết tác giả này đã lăn lộn ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), Hải Phòng hàng năm trời mới có được Mùa hè ở biển, Đợi đến mùa xuân. Hay Lưu Quang Vũ khi dựng kịch ở Nhà hát 3-2, xong là ra công viên ngồi đọc sách, tiếp xúc với con người ở công viên, thậm chí cả đêm. Còn các tác giả bây giờ ngồi trong phòng kính, đọc báo, xem truyền hình. Nếu đi thực tế thì cũng như một chuyến du lịch.

Thế thì vốn sống ở đâu mà viết, mà nhào nặn, so sánh, xây dựng thành hình tượng nhân vật? Cuộc sống đang thay đổi từng ngày từng giờ, con người cũng thay đổi từng tháng từng năm mà các tác giả không nắm được.

Ông Nguyễn Đăng Chương.

 

* Vậy theo ông khoảng cách giữa sân khấu và hiện thực cuộc sống bây giờ là bao nhiêu?

- Nếu là khoảng cách về thời đại thì đã là vô cùng rồi. Nếu là thời gian thì khoảng 15, 20 năm. Đất nước đã đổi mới được hơn 20 năm nhưng tác giả tiếp cận nó mới chỉ như chập chững ở những năm đầu của thời kỳ này.

* Có khoảng cách này trong những tác phẩm của ông không?

- Tôi không bao giờ cảm giác bằng lòng với tác phẩm của mình, mặc dù có tác phẩm được cả chục đoàn dựng, những tác phẩm đoạt giải cao nhưng tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Những tác phẩm ấy mới chỉ gọi là thành công thôi, chứ với mong muốn của cá nhân tôi thì lớn hơn. Tôi vẫn cảm thấy nó chưa phản ánh được những điều mà thời đại đang diễn ra.

* Ông có bi quan quá không, bởi sân khấu của chúng ta vẫn đang hoạt động khá tốt, các giải thưởng, huy chương năm nào cũng có rất nhiều?

- Những điều tôi nói không phải bi quan mà là cái nhìn khách quan về hiện thực đời sống sân khấu hiện nay. Chúng ta vẫn có giải thưởng, huy chương nhưng chúng chỉ xứng đáng với đời sống sân khấu èo uột hôm nay chứ không sáng lấp lánh mãi với thời gian. Một tác phẩm thành công là phải tồn tại lâu bền, được công chúng chào đón nồng nhiệt, được bạn nghề đánh giá công tâm. Huy chương, giải thưởng vẫn có nhưng là trong mặt bằng sân khấu bây giờ, không phải như những năm hoàng kim trước đây. Chả lẽ hội diễn, liên hoan lại không có vở nào được huy chương. Hiện giải thưởng đang chạy theo thực tế sân khấu, chứ không phải người ta đặt ra giải thưởng để các tác phẩm vươn tới.

* Một tác phẩm hay theo ý nghĩa sáng tạo có khác với một tác phẩm được dàn dựng cho phù hợp với cơ chế và con mắt của các nhà quản lý?

- Điều này trước đây có nhưng nay đã lùi vào quá khứ. Đúng là từng có những đơn vị nghệ thuật sợ dựng những vở ảnh hưởng đến cái ghế của cán bộ cao hơn mình. Nhưng trong tình hình sân khấu hiện nay, đa phần họ đã thay đổi nhận thức trong vấn đề thẩm định kịch bản. Họ chấp nhận những vấn đề gai góc, nóng bỏng và không sợ đụng chạm. Vấn đề là kịch bản đó có chất lượng, có nói được những điều khán giả cần hay không.

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh