Chầu văn lên sân khấu
- Văn hóa - Giải trí
- 16:25 - 09/07/2015
Đêm nhạc dân gian “Chầu văn - Nghi thức thờ Mẫu trong các giá đồng” do NSƯT Văn Ty làm chủ nhiệm chương trình, nhạc sĩ Thao Giang chỉ đạo nghệ thuật. Tại đây, người yêu nghệ thuật dân gian sẽ được thưởng thức tài năng của những nghệ sĩ nổi tiếng của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, hứa hẹn là một chương trình nghệ thuật say đắm trong những làn điệu chầu văn đậm chất dân tộc, với đầy đủ niêm luật, tinh túy và lề lối của các bậc nghệ nhân hát văn nổi tiếng.
Nếu ở nhiều đêm nhạc chầu văn trước đây, người xem được đắm mình trong các làn điệu hát văn, thì lần này, các nghệ sĩ lại đào sâu vào thánh tích và các nghi lễ của giá hầu. Lịch sử các thánh: Hoàng Bảy Bảo Hà, cô Đôi Cam Đường, chúa Nguyệt Hồ, cô bé Đông Cuông... sẽ được tái hiện sinh động bằng những làn điệu hát văn cùng màn diễn xướng hầu đồng tinh tế. Xen kẽ giữa những câu chuyện thánh tích là những bài xẩm có giai điệu rất gần với lối hát văn Nam Định. Ở đó, không chỉ có hát xẩm xoan mà cả hát xẩm chợ, hát xẩm tàu điện... Khán giả không chỉ được gặp gỡ những nghệ nhân kì cựu như Văn Chung, Xuân Đậu... mà còn được nghe những làn điệu âm nhạc dân gian cổ qua tiếng hát của những gương mặt nghệ sĩ còn rất trẻ: Minh Thông, Đức Huy, Xuân Quỳnh, Trần Hùng...
Nghi lễ chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực Tập quán xã hội và tín ngưỡng, ra đời và phát triển trước hết gắn với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tứ phủ, được thực hành ở nhiều vùng, miền của đất nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nghi lễ chầu văn của người Việt được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong giai đoạn tới, và đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, tháng 12/2012.
Ảnh: Nghi lễ chầu văn hứa hẹn mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều bất ngờ thú vị.
Theo BTC, đêm nhạc “Chầu văn - Nghi thức thờ Mẫu trong các giá đồng” mong muốn mang đến cho đông đảo khán giả Thủ đô một không gian chầu văn độc đáo, như một cách để gìn giữ, bảo tồn những làn điệu hát văn, bởi đây là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. NSƯT Văn Ty cho biết: “Tôi luôn muốn công chúng có cơ hội được thưởng thức những bài hầu đồng, những làn điệu cổ đúng chất, để mọi người xem, hiểu và thấy được giá trị độc đáo của hoạt động tín ngưỡng này, cũng như hiểu được giá trị của nghệ thuật hát văn. Hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 1.000 nghệ nhân hát văn, tập trung ở các CLB trên cả nước. Tuy nhiên, những nghệ nhân giữ được lối hát chầu văn cổ còn rất ít. Theo quan điểm của cá nhân tôi, lối hát mới cũng có cái hay, nhưng chúng ta cần cố gắng giữ gìn chầu văn cổ bởi đó mới là giá trị đích thực của âm nhạc dân gian Việt Nam”.