CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Sống khỏe nhờ nghề làm nón truyền thống trên đất Tổ

 

Giữ nghề truyền thống

Khi nói về nghề nón lá quê mình, ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) không dấu được niềm vui cho biết: “Từ lâu, Sai Nga chúng tôi đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh nhờ nghề nón lá với những sản phẩm bền đẹp. Hiện toàn xã Sai Nga có 1.179 hộ thì có tới 612 hộ tham gia làm nón. Thu nhập từ nghề nón đã góp phần quan trọng trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, đưa đời sống của người dân không ngừng cải thiện. Nghề làm nón lá của địa phương đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề từ năm 2006”.

 

Nghề làm nón giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

 

Chia sẻ về gốc tích của nghề làm nón, một số người dân làm nghề ở Sai Nga tiết lộ với chúng tôi rằng, đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) trong thời kì tản cư về đất Sai Nga đã mang theo nghề làm nón. Các bậc cao niên còn sống ở địa phương cho biết, nghề nón nơi đây xuất hiện chính thức và phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề nón về đây mà bén duyên và tặng cho người Sai Nga thêm nghề sinh nhai, và trong nhiều năm qua nghề nón lá tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân địa phương.

Về nguyên liệu làm nón thường là bằng lá cọ, đây là nguyên liệu có sẵn và rất nhiều ở vùng đất Cẩm Khê cũng như các huyện lỵ khác cùng vùng quê trung du Phú Thọ. Tuy nhiên, do lá cọ cứng nên đòi hỏi người khâu (hay còn gọi là may) nón phải thật khéo léo, bền bỉ và tinh tế. Ngày nay, nhiều hộ dân trong làng mua thêm lá thanh, lá mai làm nguyên liệu thay thế lá cọ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, nếu nón được làm bằng lá cọ sẽ bền và đẹp hơn.

Để làm ra một chiếc nón, người thợ phải thao tác qua rất nhiều công đoạn, từ tìm chọn nguyên vật liệu, làm vành, giẽ lá, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy...

Cụ thể, sau khi chọn được nguyên liệu, người thợ sẽ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu bộ bằng kim; khâu là công đoạn rất khó bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ lập tức hỏng. Người nào khâu mau tay và chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn. Sau khi đã khâu xong thì bắt đầu nhôi. Đây cũng là công đoạn rất khó, nếu nhôi kỹ và chặt chiếc nón sẽ không bị sổ hoặc bung ra còn làm qua loa, không đủ độ chặt kết quả sẽ ngược lại. Biên độ, lực tay thế nào đó cũng là bí quyết làm nghề của những người dân Sai Nga. Sau khi khâu xong chiếc nón, người thợ hơ bằng diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng và không bị mốc…

Tạo việc làm và thu nhập ổn định

Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 3-4 chiếc nón, nếu làm giỏi có thể được 5-6 nón. Giá mỗi chiếc nón đẹp trung bình được bán với giá 60.000 đồng, trừ chi phí nguyên liệu và “lấy công làm lãi” mỗi chiếc nón cũng cho người thợ thu lời khoảng 50.000 đồng…

Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã may chủ yếu 2 loại: nón kỹ với giá 55.000-60.000 đồng/chiếc, nón thưa có giá 45.000-50.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất 450.000 – 500.000 chiếc nón các loại; riêng năm 2016 cả làng sản xuất đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

 

Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 3-4 chiếc nón, nếu làm giỏi có thể được 5-6 nón.

 

Theo ước tính bình quân một hộ có từ 2 đến 3 người tham gia làm nón tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi tháng cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người. Nghề làm nón nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều sức lao động nên mỗi người mỗi việc, từ già tới trẻ đều có thể tham gia các khâu làm ra chiếc nón. Mặc dù chưa thể làm giàu, song nghề nón đã giúp cho người dân Sai Nga có thêm thu nhập, giảm bớt đáng kể những khó khăn trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, ở khu 3 xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê cho biết: “Nhà tôi duy trì nghề làm nón đã mấy chục năm nay rồi. Với gia cảnh nhà đông khẩu lại ít ruộng, nên mọi thu nhập chỉ biết trông vào nghề nón lá. Những mùa cao điểm sốt hàng, nhiều việc, có tháng gia đình tôi thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn hẳn so với nghề trồng lúa trước đây…”

Cũng như gia đình chị Ngọc nhiều hộ gia đình khác trong xã có cuộc sống ổn định từ nghề làm nón truyền thống, chị Lê Thị Phương - một hộ làm nón ở khu 6 xã Sai Nga huyện Cẩm Khê phấn khởi nói với chúng tôi: “ Gia đình tôi có 2 mẹ con tham gia làm nón, tranh thủ lúc nông nhàn và cháu nó học nửa ngày trên trường, nửa ngày ở nhà phụ làm nón với mẹ, mỗi tháng cũng cho thu nhập hai mẹ con hơn 5 triệu đồng”.

“Bên cạnh những gia đình đông khẩu đủ ăn, từ nghề làm nón, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhiều hộ gia đình có sắm sửa tiện nghi, vật dụng gia đình có giá trị, xây dựng nhà cửa khang trang. Tuy nhiên nghề làm nón nơi đây còn gặp không ít khó khăn nhất là về quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm; chưa xây dựng được hợp tác xã thu mua tập trung dẫn đến tư thương thu mua nón còn ép giá” – Chủ tịch xã Sai Nga Trần Văn Thảo cho biết .

Riêng về khó khăn nguyên liệu, bà con chia sẻ hiện nay đây đang là vấn đề lớn nhất đối với làng nghề. Do không chủ động được nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào các địa phương khác dẫn đến đầu vào cao, đầu ra không ổn định, nên phát triển làng nghề vẫn chủ yếu theo hướng tự phát và địa phương vẫn chưa có nhiều nguồn vốn để hỗ trợ làng nghề phát triển bứt phá…

Về phương hướng phát triển nghề trong thời gian tới, Chủ tịch Thảo cho biết thêm: Nhằm mở rộng và phát huy thế mạnh truyền thống của làng, những năm qua Đảng ủy, Chính quyền xã Sai Nga đã có nhiều định hướng: Kêu gọi hỗ trợ về vốn vay từ các nguồn lực, phối hợp với Trung tâm dạy nghề từ tỉnh đến huyện mở các lớp tập huấn làm phong phú mẫu mã sản phẩm, nâng cao tay nghề đan nón lá.

Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết: Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai việc đưa máy móc hiện đại để giảm công lao động cho người dân làm nghề. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tổ chức cho đại diện các làng nghề là thợ sản xuất lâu năm có tay nghề giỏi, uy tín trong làng, lãnh đạo xã có làng nghề đi tham quan, học tập. Đồng thời tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho nón lá Sai Nga không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà ra toàn quốc.

Trước khi ra về chúng tôi vẫn ấn tượng mạnh mẽ với hình ảnh những đứa trẻ lên mười, các cụ già đã qua tuổi thất thập cùng các mẹ, các chị ngồi quây quần dưới hiên nhà khâu nón lá… Điều này đã tạo cho chúng tôi một cảm giác thư thái, bình yên lạ thường giữa miền nón lá Sai Nga trên quê hương đất Tổ.

THANH NGỌC-TUẤN MÃ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh