Làng nghề truyền thống đang đối mặt với hàng giả
- Dược liệu
- 17:29 - 28/04/2017
Nấu rượu không chỉ là nghề nuôi sống mà còn là văn hoá, hồn vị của những người dân làng Trương Xá. Năm 2005, Trương Xá được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo không khí phấn khởi và tự hào trong lòng những người dân sản xuất, kinh doanh rượu nơi đây. Quy mô sản xuất mở rộng, số hộ tham gia cũng tăng lên, hiện nay làng có trên 300 hộ chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu, gồm cả rượu trắng và rượu ngâm ba kích, táo mèo, chuối hột, đinh lăng...
Thị trường ngày một phát triển, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nhưng các gia đình ở làng Trương Xá vẫn giữ nguyên quy trình nấu rượu truyền thống, vẫn sử dụng chum sành, nồi đồng, bếp trấu, men tự làm để nấu rượu, mỗi nồi rượu/ngày cũng chỉ được 5-6 lít rượu, ngâm ủ tại nhà để vài tháng sau đem bán ra thị trường.
Tuy nhiên, vì chạy theo cái lợi trước mắt và ham làm giàu nhanh, những năm gần đây trong làng Trương Xá đã xuất hiện những cá nhân pha chế rượu từ cồn công nghiệp, sử dụng hoá chất và màu thực phẩm để tạo màu sắc và hương vị cho rượu, bán ra thị trường với giá rất rẻ (chỉ từ 14.000 đồng đến 16.000 đồng/1 lít rượu thành phẩm), làm giảm uy tín và gí trị thương hiệu truyền thống của làng nghề. Thời gian qua, các cơ quan báo chí và truyền hình đã liên tục phản ánh tình trạng này tại làng Trương Xá.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất các loại rượu giả, nhái, chất lượng kém không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề Trương Xá, tới tình hình sản xuất kinh doanh của cả làng nghề mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người tiêu dùng và là hành vi vi phạm pháp luật. Trong nhiều năm qua UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Kim Động và xã Toàn Thắng rất quan tâm đến việc quản lý và phát triển thương hiệu và chất lượng rượu Trương Xá, đặc biệt năm 2016 UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Kim Động thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Rượu Trương Xá", dự kiến (tháng 7/2017) sau khi nhãn hiệu chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng, UBND huyện Kim Động với tư cách là chủ sở hữu sẽ xem xét và chỉ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm rượu đạt yêu cầu theo tiêu chí đề ra, việc này sẽ góp phần đẩy lùi và xoá sổ hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo huyện và các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất và lưu thông sản phẩm rượu kém chất lượng đội lốt thương hiệu “Trương Xá”.
Trong thời gian tới UBND huyện Kim Động phối hợp cùng UBND xã Toàn Thắng và các đơn vị có liên quan triển khai mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh rượu, vệ sinh an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu ở làng nghề “Rượu Trương Xá” xã Toàn Thắng nói riêng và huyện Kim Động nói chung.
Có thể nói "Rượu Trương – Tương Bần" là hai trong số nhiều sản phẩm đặc sản gắn liền tên địa danh "Hưng Yên", tạo nên nét giá trị văn hoá đặc trưng cho mảnh đất phố Hiến. Gìn giữ, phát triển và bảo tồn những giá trị truyền thống luôn là trăn trở của những người con Hưng Yên. Cơ sở sản xuất rượu giả, kém chất lượng chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", không phản ánh được hiện trạng của làng nghề rượu truyền thống Trương Xá. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo địa phương và nhận thức của người dân ngày một nâng cao, làng Trương Xá nói riêng và các làng nghề của tỉnh Hưng Yên nói chung tiếp tục phát triển.