THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Bảo tồn nghề truyền thống ở Tây Bắc

 

Phong phú làng nghề 

Bản Cát Cát (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là bản lâu đời của người Mông, còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải và chế tác đồ trang sức. Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, với các hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú... Nơi đây còn có nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo, gồm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn... Các sản phẩm nghề thủ công của bản Cát Cát được khách du lịch yêu thích và thường mua về làm kỷ niệm. 

Không chỉ bản Cát Cát, mà nhiều nơi, nhiều dân tộc ở Lào Cai cũng có nghề truyền thống, như nghề đúc lưỡi cày ở xã vùng cao Bản Phố (huyện Bắc Hà), nghề làm hương truyền thống tại thôn Làng Kim (xã Quang Kim, huyện Bát Xát); nghề chạm khắc bạc truyền thống tại thôn Cốc Môi (xã Na Hối, huyện Bắc Hà), thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, huyện Bát Xát; nghề thêu may thổ cẩm ở các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả (Sa Pa)...

 

Thi dệt vải của phụ nữ Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang).

  

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng có nhiều nghề truyền thống như: Nghề dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám (huyện Quản Bạ); làng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc (huyện Quang Bình); nghề chế tác khèn Mông ở Hố Quang Phìn (huyện Đồng Văn); nghề rèn, đúc, nghề đan quẩy tấu ở huyện Mèo Vạc... các nghề truyền thống vẫn được đồng bào các dân tộc lưu giữ truyền từ đời này qua đời khác. 

Tương tự, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng có nhiều sản phẩm nghề truyền thống. Trong đó, mỗi dân tộc ở mỗi một vùng đều có những sản phẩm thủ công truyền thống riêng, tập trung chủ yếu vào các nghề như gốm sứ, rèn đúc, chạm khắc kim loại, nghề mộc, dệt, thêu, nhuộm, đan lát...  

Đặc biệt, mỗi một nghề, mỗi tộc người đều có những đặc trưng khác nhau. Sự khác nhau này được các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc lý giải, do vùng Tây Bắc có nhiều dân tộc, mà mỗi dân tộc lại có những ngành, nhóm khác nhau, mỗi ngành nhóm đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như đa dạng về kinh tế.  

Mỗi tộc người có những ứng xử với nhiều điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau, có những truyền thống văn hóa khác nhau... nên sẽ tạo ra nhiều ngành nghề khác nhau, vì vậy, tạo nên tính da dạng trong sản xuất, đa dạng ngành nghề là hằng số xuyên suốt cuộc sống của người dân Tây Bắc. “Chính sự đa dạng đó đã bảo lưu được rất nhiều những tri thức dân gian đối với các nghề truyền thống. Đó là tri thức trong nghề rèn đúc, tri thức trong nghề làm giấy, nghề thêu, dệt thổ cẩm... Thậm chí, riêng trong thổ cẩm, lại có mấy dân tộc, mỗi dân tộc là một phong cách khác nhau.  

Ví dụ, thổ cẩm của người Thái khác thổ cẩm của người Tày, người Mường, hay người Mông, Dao... ; rồi thổ cẩm của đồng bào ở Yên Bái khác thổ cẩm của đồng bào ở Cao Bằng, thổ cẩm người Mường khác, và của các tộc khác cũng vậy. Nghệ thuật thêu cũng vậy, thêu của người Mông khác, người Dao khác, người Mông còn có in sáp ong, người Dao Tiền cũng có in sáp ong... tất cả tạo ra bức tranh toàn cảnh về các nghề thủ công truyền thống ở Tây Bắc”, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết. 

Nguy cơ mai một 

Trong khi có nhiều nghề thủ công truyền thống của các dân tộc vẫn được trao truyền đến ngày nay, cũng có rất nhiều làng nghề bị mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất, do không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất hàng loạt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đơn cử, làng nghề đúc lưỡi cày Bản Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) 200 năm tuổi đến nay đang đứng trước nguy cơ mai một.

 

Làm miến dong ở xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là nghề truyền thống lâu đời của người dân.

 

Nguyên nhân của việc mai một này là bà con bản địa thay đổi tập quán canh tác, không dùng cày để làm đất như trước, mà sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ... cho nhanh. Bên cạnh đó, chợ lại xuất hiện những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán với giá thấp hơn, nên các sản phẩm truyền thống của bà con khó bán được, nhiều hộ gia đình chán nản nên không làm nữa. 

Hoặc nghề dệt thổ cẩm của người Thái, nghề gốm của người Thái đen ở Chiềng Cơi và Mường Chanh - Sơn La. Trước đây nghề gốm khá phát triển, vào lúc nông nhàn, hầu như gia đình nào cũng làm gốm. Thời điểm hưng thịnh nhất vào các năm 1979 - 1985, gốm Mường Chanh có mặt ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và nhiều địa phương khác. Tới nay, gốm Mường Chanh đang phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm sành, sứ, nhựa nội ngoại được nhập ồ ạt trên thị trường. 

Hay như nghề đan lát ở 3 xóm Bản Thay, Boong Trên và Boong Dưới thuộc xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), đã có cách đây hàng trăm năm, đến nay cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống đan lát, bởi các sản phẩm từ nhựa được bày bán tràn lan, lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn, nên nhu cầu về sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống. Nghề đan lát bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ. 

Nhiều sản phẩm thủ công khác như dệt, nhuộm, thêu ghép hoa văn thổ cẩm trên vải; chế tác nhạc cụ dân tộc... của các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Bắc trong những thập kỷ gần đây cũng bị mai một, sa sút rất nhiều. 

Không chỉ bị ảnh hưởng do bị các sản phẩm hiện đại cạnh tranh, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nghề thủ công ở nhiều địa phương vẫn bị coi là nghề phụ, dành cho lao động phụ để có thu nhập phụ, nên thường bỏ mặc cho nghề và làng nghề vùng dân tộc thiểu số tự xoay sở. Khi có những khó khăn, những người làm nghề bỏ nghề, khiến các nghề đó tự mai một, tự thất truyền, tự chìm vào quên lãng. 

Giữ nghề là giữ văn hóa và phát triển bền vững 

Lào Cai là một trong những địa phương có những chính sách khá tốt trong việc bảo tồn và giữ gìn nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong khuôn khổ dự án “Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông” làng Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa), Lào Cai đã tiến hành bảo tồn 4 nghề thủ công truyền thống là: Nghề dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc, nghề mộc, đan lát mây - tre - rơm, giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội lớn cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu các sản phẩm làng nghề.  

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sa Pa, đã có 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả với trên 1.000 hộ tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường từ 32.000 - 35.000 m vải. Các huyện Văn Bàn, Bắc Hà... cũng đã hình thành nhiều làng nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi. Các làng nghề nấu rượu nổi tiếng và sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, như rượu ngô Bản Phố (Bắc Hà), rượu San Lùng, Bản Xèo (Bát Xát)... 

Tỉnh Hà Giang cũng là một trong những địa phương có nhiều quan tâm đến các làng nghề truyền thống. Có thể kể đến như nghề dệt lanh truyền thống của dân tộc Mông, làng nghề thổ cẩm của dân tộc Lô Lô, dân tộc Pà Thẻn, làng nghề chạm bạc, nghề làm giấy bản của dân tộc Dao, nghề làm khèn Mông, nghề rèn dao, nghề rèn lưỡi cày... Một trong những mô hình gìn giữ nghề truyền thống tốt ở Hà Giang là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Khi thấy nghề truyền thống bị mai một, bà Vàng Thị Mai cùng chồng đã đứng ra vận động bà con trong xã, góp vốn xây dựng cơ sở dệt thổ cẩm Hợp Tiến tại nhà riêng của mình. Rồi bà đi khắp các bản làng để vận động chị em tham gia cơ sở dệt Hợp Tiến.  

Thời gian đầu chỉ có 10 người đăng ký tham gia. Bà giao đất cho từng người trồng lanh để có nguyên liệu dệt vải. Sau một thời gian, các sản phẩm làm ra khá nhiều, nếu chỉ trông vào sức mua ở địa phương thì số lượng rất hạn chế. Bà Mai đã khăn gói vượt cổng trời Quản Bạ, xuống Hà Nội tham dự các hội chợ để quảng bá sản phẩm truyền thống. Sau những chuyến đi đó, nhiều khách hàng đã liên hệ mua sản phẩm của bà. Từ đó, nhiều khách hàng đã tìm đến tận nơi để ký hợp đồng. Sau này, bà tiếp cận được với Dự án duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, giúp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển.  

Hợp tác xã còn hợp tác với Trung tâm hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Craftlink... để quảng bá, tìm kiếm thị trường... Đến nay, HTX Hợp Tiến đã có 130 khung dệt truyền thống, sản phẩm đa dạng, xuất khẩu sang 20 nước, trong đó có những thị trường đặc biệt ưa chuộng sản phẩm thổ cẩm Lùng Tám như Mỹ, Nhật, Pháp... 

Đến nay, một số tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng... cũng đã quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, giúp bà con có thêm thu nhập, phát triển du lịch. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng dân cư, cho đồng bào các dân tộc.  

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc gìn giữ, phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, không chỉ có giá trị về kinh tế, mang lại thu nhập cho bà con, mà còn là một trong những yếu tố rất quan trọng để gìn giữ văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, ở mỗi ngành nghề thủ công khác nhau, đều tích lũy một hệ thống tri thức rất khác nhau. Từ một mẫu thêu, từ cách dệt thổ cẩm, cách tạo ra các màu sắc, hoặc cách để tạo ra các sản phẩm đồ rèn có độ bền cao... của mỗi một dân tộc tuy khác nhau, và đó đều là những tri thức dân gian, là tri thức về vật chất nhưng mang tính văn hóa, cần phải giữ gìn. 

Đồng quan điểm trên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng cho rằng, nghề và làng nghề truyền thống là một bộ phận cấu thành văn hóa dân gian, chứa đựng nhiều yếu tố bản sắc dân tộc. Mỗi một nghề thủ công truyền thống của các dân tộc sinh ra và phát triển đồng hành với sự hình thành các mường bản, chính vì vậy, việc bảo tồn giá trị làng nghề, là bảo tồn làng bản truyền thống, bảo tồn cốt lõi của văn hóa dân tộc. 

 Những nghề truyền thống là tri thức bản địa cùng với kỹ năng sống của đồng bào, việc bảo tồn nghề là bảo tồn tri thức bản địa, bảo tồn kỹ năng sống, bảo tồn những giá trị hàng trăm nghìn năm... Bên cạnh đó, mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, có tuồng tích, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức của tiền nhân... và bảo tồn nghề truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào. 

Nhận thức rõ điều này, nên trong những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận một số nghề truyền thống là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có thể kể đến nghề chạm khắc bạc của người Mông ở huyện Sa Pa, hay nghề chàng slaw (nghề thủ công làm tranh cắt giấy) của người Nùng Dín ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai); nghề thổ cẩm của người Tày ở Bắc Kạn... 

Việc khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống các dân tộc thiểu số là cần thiết và cần có cơ chế chính sách hợp lý. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, việc phát triển các sản phẩm nghề và làng nghề phải phù hợp với đời sống xã hội, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch... giới thiệu rộng rãi và đưa sản phẩm thủ công truyền thống đến khách hàng, du khách trong và ngoài nước, để những nghề và làng nghề trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được gìn giữ và phát triển, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ngô Quang Hưng: Phải tìm thị trường  

Để khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, trước hết, cần tuyên truyền để cộng đồng biết trân trọng và gìn giữ những nghề truyền thống. Khi đồng bào có ý thức tự giữ nghề, sẽ trao truyền cho các thế hệ, trong dòng họ, trong gia đình. Các địa phương, các ngành bảo tồn nghề bằng những hiện vật tiêu biểu, đặc trưng, bảo tồn thông qua ghi chép lại, ảnh hóa, số hóa, tại hệ thống bảo tàng... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, chính quyền và người dân phải cùng nhau nỗ lực tìm kiếm thị trường, coi mặt hàng thủ công truyền thống là những mặt hàng quan trọng của địa phương, khai thác đồng thời cả 2 mặt giá trị, giá trị thực dụng và giá trị lưu niệm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành là một sản phẩm du lịch bền vững và có ý nghĩa.  

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Coi nghề truyền thống là di sản  

Để phát triển nghề thủ công truyền thống vùng Tây Bắc, trước hết, cần tổng kiểm kê toàn bộ các nghề thủ công đó, đánh giá hiện trạng của từng nghề hiện nay như thế nào, tìm ra môi trường sản sinh ra nghề đó là gì, môi trường tác động đến sự tồn tại của nghề đó như thế nào, vì sao nghề đó tồn tại, vì sao nghề đó mai một, khả năng mai một ra sao... Từ cơ sở đó, mới phân tích, tìm hiểu xem nghề nào cần phát huy, nghề nào áp dụng vào du lịch, nghề nào phải bảo tồn nguyên vẹn, coi như di sản cha ông để lại, không nên để mất và cũng phải biết chấp nhận quy luật, sẽ có những nghề bị mất do xã hội không có nhu cầu. Mặt khác, mỗi một nghề là dấu hiệu của một tộc người, dấu hiệu của lịch sử... nên các ngành, các cấp cần coi một số nghề truyền thống đó là những di sản văn hóa, là nguồn lực văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn như di sản văn hóa, được làm hồ sơ công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia và bảo vệ nó. Có một điểm cần lưu ý, các nghề truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc có đặc thù, mỗi làng chỉ có vài ba hộ làm nghề. Bên cạnh một số nghề có nhiều người tham gia như nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu..., nhiều nghề ở vùng Tây Bắc chỉ có rất ít người tham gia, nên phát triển làng nghề phải lưu ý đến tiêu chí đó mà phát triển, chứ không nên lấy tiêu chí của làng nghề dưới xuôi để áp dụng.  

Nghệ nhân Điêu Thị Siêng, dân tộc Thái (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái): Quyết không bỏ nghề  

Bản tôi có nghề dệt thổ cẩm, mấy năm trước, xã thành lập tổ dệt thổ cẩm, nhưng mấy năm nay, do nhiều khó khăn mà tổ dệt đã tự giải tán. Nghề thì chúng tôi vẫn giữ, không thể bỏ được, nhưng không thể duy trì thường xuyên, vì không tìm được thị trường tiêu thụ, sản phẩm làm ra không bán được, nên chúng tôi không làm nhiều nữa. Hiện nay các gia đình vẫn tự làm, tự tiêu thụ nhỏ lẻ. Mong muốn lớn nhất của tôi cũng như những người làm nghề trong bản, là có nơi tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh