THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:38

Huyện Chợ Mới (An Giang): Dạy nghề truyền thống cho lao động nông thôn

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện Chợ Mới đã có nhiều chính sách, dự án được triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm ở địa phương.

Hiện nay, Chợ Mới có 1 trung tâm dạy nghề, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên và 18 trung tâm học tập cộng đồng và một số doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác dạy nghề.

Thực hiện Nghị quyết 07 – NQ/TU; NQ 13 – NQ/HU của huyện ủy, kế hoạch của UBND huyện, trong những năm qua các ngành, đoàn thể và các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở LĐ – TB & XH tỉnh, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và các cơ sở dạy nghề DNTN Huỳnh Dương, DNTN Trúc Nguyệt mở hàng ngàn lớp dạy nghề, với hàng chục ngàn học viên tham gia.

Hầu hết những nghề đào tạo đều thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu thị trường lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc dạy nghề, truyền nghề truyền thống như: Đan đát, chằm nón lá, đóng ghe xuồng, mộc dân dụng và mỹ nghệ…

 

Nghề đóng ghe, xuồng thu hút nhiều lao động thanh niên nông thôn ở địa phương theo học và có việc làm ổn định. 

Được biết, huyện Chợ Mới hiện có 11 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đó là nghề đan đát ở 2 xã Long Giang, Mỹ An; nghề mộc ở xã Long Điền A, Tấn Mỹ, Long Giang và thị trấn Mỹ Luông; nghề dây keo xã Mỹ Hội Đông; nghề đóng xuồng, ghe xã Mỹ Hiệp; nghề đan nón lá, xã Hội An và Hòa Bình; nghề làm lò trấu xã Long Điền B, với tổng số hộ là 3.154 hộ, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, thu nhập đạt từ 150.000đ đến 250.000đ/ ngày/ lao động.

Bên cạnh đó, sản phẩm làng nghề đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho cơ sở, hộ gia đình làm gia công và người lao động.

Các làng nghề trong những năm qua được tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Gần đây căn cứ vào nhu cầu thực tế 7 xã có làng nghề truyền thống đãng khát vốn  đã được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho vay vốn.

Trong đó làng nghề mộc xã Tấn Mỹ; chằm nón là xã Hòa Bình, Hội An; đóng ghe, xuồng xã Mỹ Hiệp, với mức vay (100 triệu/làng nghề) và nghề mộc xã Long Điền A; đan đát xã Long Giang và Mỹ An (200 triệu/làng nghề).

Đồng thời, UBND huyện cũng ký quyết định phê duyệt 25 dự án vay vốn từ Qũy quốc gia giải quyết việc làm, với tổng số tiền hàng trăm triệu đ, để duy trì và phát triển làng nghề ở địa phương, bình quân mỗi dự án được vay từ 15 triệu đ đến 20 triệu đ, lãi suất 0,65%.

Nhờ đó các làng nghề ngày càng được mở rộng và phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn ở địa phương , góp phần đáng kể vào chương trình xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh