THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:34

Phát triển bền vững làng nghề truyền thống gắn du lịch

Mai một nhiều làng nghề truyền thống

Làng nghề đan tre Tam Vinh, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam là làng nghề duy nhất còn lại của thị trấn. Nhưng giờ đây, nơi này đang dần “chết” , chỉ còn người già đan tre, sản phẩm không có đầu ra.

Từ nguyên liệu tre đơn giản, người dân Tam Vinh bằng bàn tay khéo léo đã tạo ra các sản phẩm rổ tre, nong, cót, nia,… Người dân kể rằng, loại tre dùng đan gọi là tre lồ ô, đặc ruột, thẳng, dài. Nghề đan tre chủ yếu thời nông nhàn, sau khi gặt trên đồng, cả nhà cùng nhau đan tre, mỗi nhà đều trồng những rặng tre xanh.

Làng nghề Tam Vinh mai một.ảnh:H.T

Làng nghề Tam Vinh tồn tại hàng trăm năm nay, đến nay, chủ yếu người dân khối phố Tam Cẩm và Thạch Đức thuộc thị trấn còn làm nghề này. Ông Lê Đổng, 70 tuổi, khối phố Tam Cẩm, cho biết, người làm tre sử dụng thời gian nông nhàn, ngày xưa, các năm hạn hán, người dân vùng khác không làm được ruộng, nhưng ở Tam Cẩm, người ta vẫn có thể ngồi nhà đan tre bán kiếm tiền lo qua ngày. Nay cả làng chỉ còn người già làm nghề. Ông nói: “Thanh niên đi làm ngày kiếm 200-300 nghìn đồng, tuy được các cụ dạy đan tre nhưng thanh niên không kiên nhẫn làm, lại không khéo léo. Giờ chỉ còn người già ở lại đan tre, mỗi ngày kiếm 50-70.000 đồng”.

Lực lượng lao động của làng nghề huy động cả lao động chính, lao động phụ trong gia đình, đa số độ tuổi trên 40, số hộ tham gia sản xuất chỉ còn 175 hộ với khoảng 364 lao động. Người nông dân không có đồng lời, trong khi thời gian làm ra sản phẩm thủ công khá lâu, 4 cái nia làm 1 tuần/người, 2 cái rổ/ngày/người, 3 tấm cót/tuần/người,…

Không chỉ có làng nghề đan tre Tam Vinh đang đối mặt với nguy cơ mai một, các làng nghề chế biến nước mắm Hà Quảng, Làng nghề dệt chiếu An Pước, làng nghề mộc Văn Hà,…Khá nhiều nhà trưng bày của làng nghề bị bỏ hoang như nhà trưng bày làng đúc đồng Phước Kiều. Riêng một số làng nghề giữ mức phát triển vẫn dựa vào du lịch như làng nghề trồng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà,…

Hơn 44 làng nghề, làng nghề truyền thống của Quảng Nam phân bố không đều giữa các địa phương, chủ yếu ở đồng bằng, các huyện miền núi thì rất ít. Sản xuất làng nghề manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, phương pháp thủ công truyền thống, không gian làng nghề chật hẹp, hầu hết đều sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất, lao động làng nghề đa phần lớn tuổi, thu nhập thấp, bình quân lao động/tháng lương từ 3 triệu đồng trở xuống chiếm đến 60%, khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề.

Gắn kết du lịch phát huy giá trị làng nghề

Văn hóa và cơ cấu làng nghề phải phát triển song song và phải khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, phát triển vùng nguyên liệu. Để các làng nghề thực sự phát huy được giá trị, một trong những giải pháp được đề ra là đưa hoạt động du lich vào làng nghề, kết hợp với đào tạo nghệ nhân cùng tham gia.

Điển hình của giải pháp này là tại thành phố Hội An, thành phố đã xây dựng quảng bá sản phẩm du lịch với các tour tham gia “một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau”, “một ngày làm cư dân phố cổ với ngềh làm gốm”, “chương trình trải nghiệm Kim Bồng”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết, các tour này hấp dẫn du khách bởi gắn kết làng nghề, du khách muốn trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, cuộc sống đời thường cho đến các loại hình lưu trú, nhờ có du lịch, làng gốm Thanh Hà, năm 2016 đã có 189.016 lượt người tham quan, làng mộc Kim Bồng có 114.600 lượt người tham quan.

Phát triển du lịch kết hợp làng nghề trồng rau Trà Quế.ảnh:H.T

 Để làng nghề “sống” và gắn bó với du lịch, ông Hồ Xuân Tịnh-Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Hiện tại, hạ tầng du lịch đến các làng nghề còn thiếu, chất lượng phục vụ du khách còn yếu”, tại tỉnh Quảng Nam, một số vùng được đầu tư hạ tầng cơ bản như làng rau Trà Quế, làng dệt Mã Châu, đúc đồng Phước Kiều, còn lại vẫn sơ sài.

Nhìn nhận thực trạng, theo ông Tịnh thì cần quảng bá xúc tiến du lịch, bởi lẽ kinh phí đầu tư hiện vẫn chưa đáp ứng thị trường du lịch, chỉ mới tập trung vào một số thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Các sản phẩm mẫu mã hàng hóa còn nghèo nàn, giá bán vẫn còn cao. Ngoài ra, môi trường quảng bá xúc tiến còn yếu, cần xây dựng không gian văn hóa trong các làng nghề. Nếu làm tốt công tác gắn du lịch với làng nghề, không những có ý nghĩa về kinh tế mà còn giá trị nhân văn tốt đẹp.

Huyền Trang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh