CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:26

“Sóng gió” ở làng Khách Nhi

 

Người dân tập trung ở đình làng để phản đối khai thác cát.

 

Quê nghèo không ngủ...

Vì sao lại có chuyện hy hữu như vậy? Chuyện là, ngày 30/6/2011, ông Hà Hòa Bình, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hạ bút ký Giấy phép số 1522/QĐ-UBND, cho phép Cty cổ phần xây dựng Phong Châu khai thác cát tại khu vực làng Khách Nhi, với trữ lượng khai thác là 1.070.810m3. Kể từ ấy làng Khách Nhi trở nên bất ổn. Đỉnh điểm nhất khi trong những ngày qua, nam, nữ, lão, ấu đua nhau bỏ việc, bỏ học, tập trung ở ngôi đình phía ven sông để chờ nghe tiếng trống, sẵn sàng cho một cuộc chiến với những chiếc tàu cuốc giữa sông.

Chúng tôi về làng đúng lúc đoàn tàu đang cắm vòi hút cát, trông y như những con quái vật hùng mạnh khuấy động cả khúc sông, vòi hút cắm xuống chỗ nào là chỗ ấy sâu hoắm lại, cát xung quanh ào ào rơi xuống. Xa hơn một chút là những con tàu cuốc, mỗi gầu nó mang lại hàng khối cát đen xì. Khi người dân kéo xuống đông quá, tàu ngưng hút và chạy ra xa bờ. Còn “công trường” khai thác thì có chỗ sâu hoắm, tưởng như một con nước nhẹ là có thể cuốn trôi cả hàng trăm khối cát. Có những chỗ khai thác cách bờ đê bối Quốc gia không xa, cách ruộng cỏ voi chỉ vài mét, nước sẵn sàng đánh thẳng vào bờ làm nứt gãy bờ đê. Dân ở đây chỉ biết, như vậy là chưa thấm vào đâu, nghiêm trọng hơn là những nhà vốn không lấy gì làm chắc chắn, nay do tác động của việc hút cát, đã tiềm ẩn nguy cơ đổ sập. Nhiều gia đình không dám ngủ trong chính ngôi nhà của mình, cũng chẳng dám ngủ nhờ láng giềng mà phải gửi con cái đi nơi khác.

Như nhà của anh Tấn, bức tường nứt ra như vết thương rộng miệng có thể thọc cả bàn tay vào đó, anh bảo “nhà sắp sập rồi nhưng vẫn phải ở, chẳng dám xây mới, nếu tình trạng hút cát gần bờ cứ diễn ra thế này thì dù có xây mới cũng chẳng mấy chốc mà sập”. Đó cũng là tâm tư của anh Nguyễn Văn Mạnh, khi nhà của gia đình anh vừa xây xong, chưa kịp sơn bả đã bị nứt toác. “Nhà ở như vậy thì lấy gì làm bảo đảm không sập,  sập thật thì cả nhà sẽ bị nhấn chìm trong đống gạch vụn vỡ”, anh Mạnh nói.

Bức tường bị nứt toác được cho là do tác động từ việc khai thác cát.

Cách đó không xa là bức tường xây bao quanh khu vườn chưa kịp vào áo đã đổ sập như bị ai phá vỡ và nhiều ngôi nhà khác mới xây hoặc xây trước đó trong thôn đều có biểu hiện nứt, rẽ hoặc nghiêng về phía bờ sông. Trong khi hàng chục hộ của Khách Nhi đang điêu đứng vì nhà hỏng, thì ngay tại quần thể di tích đình chùa đã được công nhận là Hưng Long tự và đình Khách Nhi bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Số, Trưởng Ban quản lý di tích chỉ ra hàng chục vết nứt tại nhà Mẫu, hậu cung đình và các bức tường của chùa do tác động từ việc hút cát gần bờ. Không chỉ thế, giếng của một số hộ dân ở Khách Nhi bị sụt cát dưới đáy, có đứa trẻ còn rơi cả xuống giếng, nên có những gia đình buộc phải lấp giếng. Theo lý giải của người dân, khi cát ngoài bờ sông bị hút sâu xuống, cát bên dưới lớp vỏ đất sẽ chảy ra ngoài, khi đó giếng sẽ bị tút hết chân. Và, việc nhà bị tụt hết móng dẫn đến hiện tượng nứt, sụp không phải là chuyện khó hiểu.

Muôn kiểu tự vệ

Theo phản ánh của người dân, dù được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép, nhưng dường như Cty cổ phần xây dựng Phong Châu đã không làm đúng yêu cầu khi được cấp phép. Thực tế, có hàng chục tàu cuốc công suất lớn luôn hoạt động tại địa bàn Khách Nhi. Các tàu cuốc này có khả năng hút xoáy sâu xuống đáy, hoặc vào gần bờ gây nguy hiểm cho cư dân. Cứ khi vắng bóng người dân thì các tàu nổ máy, khi người dân tập trung ngoài bờ sông thì các tàu lại “im hơi lặng tiếng”. Lo lắng cho tính mạng và nhà cửa, hàng ngàn người dân trong làng đã kéo ra bờ sông, rồi kéo lên trụ sở UBND xã yêu cầu chấm dứt nạn khai thác cát.

Nhiều lao động của làng ban đầu cũng làm thuê cho Cty ra hút cát, nhưng nhận thấy mức độ tàn phá của tàu cuốc nên đã bãi công, đứng ra phản đối. Giờ họ không đi làm cho chủ tàu nữa mà ở nhà đấu tranh đuổi tàu cùng bà con. Tưởng rằng như thế tàu cuốc sẽ ngừng hoạt động. Nhưng không, tàu vẫn ngang nhiên khai thác. Khi có người ra ruộng cỏ voi bón thúc, đám “cát tặc” còn hô lớn rằng “không cần chăm sóc nữa đâu, ít hôm nữa cái vườn đó được đưa ra giữa sông rồi”.

Tàu cuốc sẵn sàng hút cát tại bờ đê bối làng Khách Nhi.

Để bảo vệ làng, người ta mang lốp xe, rơm ra bờ sông đốt lửa, bất kể ngày đêm hay gió trăng rét mướt, người già, người trẻ thay phiên nhau ra sông canh gác. Người dân còn chặt 3 cây tre, chôn sâu, buộc dây lại như một cái ná thun khổng lồ để bắn đá xua đuổi khi tàu hút cát cắm vòi vào sát bờ.

Cụ Kiều Quốc Bảo (84 tuổi) bức xúc: Người làng này đều căm giận tàu cát đến độ bỏ ăn, bỏ ngủ. Ấy vậy, khi người làng cử các chị em phụ nữ ra đàm phán với chủ các tàu cuốc để ngừng việc hút cát thì lại nhận được những cách hành xử thô thiển. Chủ tàu lệnh các nhân viên cởi hết quần áo ra để tiếp các chị em trong thôn. Cánh  phụ nữ xấu hổ quá lại phải quay vào bờ. Nếu cử đàn ông ra đó thì e rằng dễ xảy ra đánh nhau.

Cấp phép không rõ ràng, hay doanh nghiệp cố tình làm sai?

Quá bức xúc, hàng trăm hộ dân kéo nhau lên xã, rồi xuống Cty, thậm chí người dân còn phản ứng thái quá là... chặng  đường lưu thông. Chia sẻ nỗi bức xúc với người dân, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Trong giấy phép UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Cty cổ phần xây dựng Phong Châu cũng chỉ ghi chung chung, không ghi rõ là được phép khai thác cát bằng phương tiện gì. Vì thế,  khi Cty này đem tàu cuốc đến khai thác thì người dân mới bức xúc”. Theo lời ông Thành, UBND xã từng lập biên bản với hành vi khai thác cát gần bờ đối với Cty cổ phần xây dựng Phong Châu, đồng thời làm báo cáo gửi lên UBND huyện Vĩnh Tường xin ý kiến xử lý.

Việc người dân bức xúc, chính quyền xã, huyện đều nắm được cả. Đến như ông Lê Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cũng biết việc các chủ tàu lợi dụng giờ giấc của bà con để tranh thủ khai thác. Làng Khách Nhi là vùng nuôi bò sữa, cứ khoảng 5 giờ sáng và 16 giờ 30 chiều là phải vắt sữa bò, nên đúng giờ này, các chủ tàu lại nổ máy ồ ạt khai thác. Nhưng cấp huyện cũng chẳng có cách nào đứng ra ngăn chặn ngoài mấy văn bản “báo cáo và xin ý kiến” gửi lên tỉnh, vì không đủ thẩm quyền.

Theo ông Thái, hiện trên địa bàn huyện có 7 đơn vị được cấp phép, trong đó có Cty cổ phần xây dựng Phong Châu. Trong giấy phép có quy định về độ sâu cũng như trữ lượng khai thác. Thế nhưng, sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phục hồi môi trường, các đơn vị này không gửi hồ sơ đầy đủ về UBND huyện Vĩnh Tường để làm cơ sở quản lý, theo dõi, giám sát theo quy định. Mặt khác, trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, các đơn vị đều có thông báo kế hoạch khai thác, tuy nhiên kế hoạch khai thác chưa cụ thể về thời gian, về số lượng tàu khai thác, tàu vận chuyển hoạt động thường xuyên, công suất từng tàu, độ sâu khai thác; không thực hiện cắm biển chỉ dẫn, không thả phao định vị xác định rõ ranh giới điểm mỏ khoáng sản được cấp phép; vận chuyển cát sỏi không được che chắn đảm bảo, nhiều xe chở quá tải dẫn đến đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng.

Để giải quyết những bức xúc của dân, UBND huyện Vĩnh Tường đã đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc khai thác, vận chuyển khoáng sản của Cty cổ phần xây dựng Phong Châu, xem Cty này đã thực thi đúng quy định của pháp luật hay không, nếu không đúng thì có biện pháp xử lý kịp thời để tránh gây bức xúc trong nhân dân. Thế nhưng, đến nay, thời gian trôi đi đã mấy tháng, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. 

VĂN NGHĨA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh