THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:00

Nghệ An: Bài học cấp phép khai thác cát

 

Vì sao dân phản đối

Tháng 2/2015, UBND xã Nghĩa Dũng nhận được thông báo của UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) kèm theo Quyết định số 19/GP-UBND ngày 6/1/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi xây dựng cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm tại địa điểm bãi cát bồi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ).

Theo quyết định cấp phép, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm được khai thác cát, sỏi thông thường tại khu vực bãi bồi Gia Đề. Mỏ có diện tích 10ha với trữ lượng khai thác 427.535m3. Thời hạn khai thác trong vòng 10 năm.

Nguy cơ mất đất sản xuất của người dân do khai thác cát sỏi

Sau khi nhận được hồ sơ cấp mỏ cho doanh nghiệp, UBND xã đã có thông báo cho cấp ủy xóm Gia Đề nơi có mỏ được biết. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân xóm Gia Đề đã không nhất trí, đồng thời ngăn cản không cho công ty vận chuyển cát sỏi đi qua địa bàn khi khai thác.

Nhiều người dân xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng bức xúc: “Bao đời ni bà tui đã canh tác hoa màu tại bờ sông Con, giừ cho doanh nghiệp vô khai thác cát sỏi, bị xói, lở làm mất đất sản xuất. Khi cấp mỏ bà tui lại khồng hề được biết, cũng không có cuộc họp bàn mô”.

Ngày 22/6/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ mời Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, cán bộ địa chính – xây dựng xã, cấp ủy và ban chấp hành xóm Gia Đề tham gia cắm mốc, bàn giao khu mỏ cho Doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm, một số bà con xóm Gia Đề đã ra ngăn cản việc làm của đoàn.

Gần 100 người dân xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ(Nghệ An), ngồi trước cổng UBND tỉnh Nghệ An, để phản đối việc cấp mỏ.

Ông Nguyễn Doãn Loan, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết: “Việc khai thác cát sỏi sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, vì thế khi tiến hành cắm mốc, bàn giao mặt bằng, người dân xóm đã ra ngăn cản. UBND xã đã đề xuất tạm thời chưa bàn giao khu mỏ từ mốc 1 đến mốc 3 vì đây là đường đi từ xưa của dân. Trước mắt, công ty chỉ khai thác từ mốc 4 trở xuống. Từ mốc 1 đến mốc 3, để cho nhân dân đi lại qua sông sản xuất”.

Trong khi đó, ông Hoàng Đình Lâm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm, từ chối gặp khi PV liên lạc.

Sau khi, các bên tham gia giao mỏ đã thống nhất, giao các mốc giới 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm của khu mỏ theo bản đồ khu vực khai thác khoáng sản, mỏ cát, sỏi xây dựng Cồn Con, thì gần 100 người dân xóm Gia Đề đã mang xoong, nồi đến trước trụ sở UBND tỉnh Nghệ An để phản đối.

Ngay sau đó, UBND huyện Tân Kỳ, đã quyết định tạm đình chỉ việc mở mỏ khai thác cát sỏi của Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm tại khu vực bãi bồi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng.

Cần phải thuận dân

Cũng như người dân xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, những hộ dân tại xóm 5, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cũng vô cùng lo lắng và hoang mang trước việc Công ty Long Thành đang hoàn tất hồ sơ để được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi tại bãi bồi của địa phương. Người dân lo ngại sẽ bị sạt lở diện tích canh tác, sản xuất nông nghiệp của họ. Sự việc này đã diễn ra 2 năm nay.

Người dân đóng cọc tre làm kè chống sạt lở do khai thác cát và mưa lũ. (ảnh NT)

Công ty Long Thành được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò cát, sỏi tại giấy phép số 4990/GP-UBND. Thời gian thăm dò khoáng sản là 9 tháng( đã hết thời hạn). Vị trí mỏ của Công ty Long Thành lại nằm ngay trên bãi bồi mà người dân nơi đây đang trồng hoa màu. Được biết, bãi bồi này bao đời nay người dân thường xuyên phải đóng kè chống sạt lở để giữ đất. Vì vậy, khi thấy Công ty Long Thành chuẩn bị được cấp phép khai thác cát đã làm cho nỗi lo sạt lở đất dẫn đến mất đất sản xuất nông nghiệp của người người dân càng trở nên nghiêm trọng.

Hàng chục người dân bức xúc phản ánh với phóng viên.

Theo quan sát của chúng tôi, nỗi lo sạt lở đất của người dân nơi đây là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, tình trạng sạt lở ở đây đã diễn ra thường xuyên vào mỗi mùa mưa lũ, 2 bên bờ sông được người dân trồng hoa màu, theo ghi nhận của PV thì có rất nhiều nơi đã và đang bị sạt lở. Điều này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

Khi PV về địa phương tìm hiểu, nhiều người dân tập trung lại phản ánh gay gắt: “Đất sản xuất nông nghiệp đã ít, chỉ trông vào một ít đất ven sông để trồng hoa màu nhưng năm mô cũng mưa lũ với “cát tặc” làm sạt lở gần hết. Người dân bà tui phải đóng kè, trồng tre bên bờ sông với hi vọng ngăn được sạt lở, rứa mà giừ có công ty vô khai thác cát sỏi theo kiểu công nghiệp thì bà tui lấy đất mô mà trồng hoa màu nữa, Lợi mô thì doanh nghiệp hưởng, còn người dân bà tui thì gánh hậu quả. Bà tui quyết không đồng ý, ra răng thì ra”.

Hoa màu của người dân cạnh khu vực được thăm dò khoáng sản(ảnh NT).

Ông Trần Ngọc Hạnh – Xóm trưởng xóm 5 cho biết thêm: “Sự việc này đã diễn ra lâu rồi các chú ạ, là xóm trưởng tôi cũng đã đem tâm tư, nguyện vọng của người dân trình lên chính quyền địa phương cũng như UBND tỉnh nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Người dân xóm chúng tôi hoàn toàn không đồng ý cho Công ty Long Thành hay bất kỳ một đơn vị nào khác vào khai thác cát với lý do sẽ dẫn đến sạt lở đất, thâm chí UBND huyện Anh Sơn cũng lập đoàn đi vận động cũng như đối thoại với dân nhưng chúng tôi hoàn toàn không đồng ý”.

Chúng tôi đẫ có buổi làm việc với ông Trần Văn Dương - Phó chủ tịch UBND xã Thành Sơn, ông Sơn cho biết: “Hiện tượng sạt lở ở bãi bồi là có thật, nguyên nhân là do mưa lũ và “cát tặc”, đất sản xuất của dân cũng ít thật, thanh niên phải đi làm thuê khắp nơi. Còn về đơn khiếu kiện của người dân xóm 5 thì tôi thấy đã có đoàn liên ngành của tỉnh phối hợp với UBND huyện đi kiểm tra và trả lời rồi, còn ảnh hưởng, sạt lở khi khai thác thì chỉ có các nhà khoa học mới trả lời được chứ chúng tôi thì chịu”.

Mỏ đang thăm dò nhưng "cát tặc" vẫn ngang nhiên khai thác(ảnh NT).

Với những câu trả lời thiếu tính thuyết phục của ông Trần văn Dương, chúng tôi đã cố liên lạc với chủ tịch UBND huyện Anh Sơn là Bà Võ Thị Hồng Lam nhưng không được.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh – Bí thư Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Vấn đề ở xóm 5, xã Thành Sơn thì kéo dài đã mấy năm nay. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo ủy ban theo dõi, giải quyết dứt điểm. Nếu khai thác mà nguồn lợi lớn hơn sản xuất nông nghiệp thì nên khai thác, vả lại cũng giải quyết luôn vấn đề cát tặc. Còn khai thác mà sạt lở, gây hại thì dứt khoát huyện không đồng ý”.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong những sự việc nêu trên. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, sớm tìm ra biện pháp giải quyết tối ưu. Tránh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp... làm phức tạp tình hình địa phương.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh