Khánh Hòa: Dân thấp thỏm sống chung với "cát tặc"
- Pháp luật
- 14:30 - 10/10/2015
Dùng máy hút cát trái phép rất ngang nhiên
Khai thác rầm rộ
Quá trưa, trời nóng như đổ lửa, nhưng phía dưới chân hồ Hoa Sơn (khu vực thuộc thôn Tây, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) có tới 2 chiếc máy hút cát cỡ lớn hoạt động liên tục, tiếng nổ rền vang làm náo động cả một khu vực rộng lớn. Những chiếc vòi rồng vươn dài sục sâu xuống lòng đất hút cát, bơm lên từng đống. Ngay lập tức chiếc máy múc, xúc từng gầu cát vừa hút lên chiếc xe tải chờ sẵn để chở đi tiêu thụ. Đứng trên chân đê hồ Hoa Sơn nhìn xuống khu vực “cát tặc” đang hoạt động là những hầm hố được khoét sâu, tạo thành một vùng trũng rộng lớn. “Người ta khai thác cát ở đây khoảng 2, 3 năm nay rồi. Họ khai thác chẳng kể ngày đêm, xe tải lườm lượp chở cát từ khu vực chân hồ đi ra. Có hôm tôi đi thu hoạch từ 3 giờ sáng đã thấy người ta chở cát rồi!” - một người dân ở gần đây cho biết.
Không chỉ ở chân hồ Hoa Sơn, ngay trong thôn Tân Đức Tây (xã Vạn Lương, Vạn Ninh) hoạt động khai thác cát trái phép cũng diễn ra rầm rộ không kém. Trong vai một người đi mua cát, chúng tôi tìm đến các đầu nậu ở khu vực này. Một đầu nậu nhanh nhau mời chào: “Cát ở đây vàng, đẹp, rất thích hợp dùng để xây và tô trát nhà. Các anh cần bao nhiêu, bọn tôi đều đáp ứng đầy đủ. Giá thành giao động từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/1 xe tải loại 2,5 tấn (tùy theo khoảng cách vận chuyển). Tiền giao là có cát, chỉ cần a lô, chúng tôi cung cấp ngay, nếu cần hóa đơn đỏ chúng tôi cũng có luôn”.
Dùng máy múc cát tao thành những hố sâu hàng mét
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở khu vực thôn Tân Đức Tây có 2 hộ chuyên khai thác cát trái phép là hộ ông Nguyễn Cư và ông Nguyễn Tấn Phúc. Cả 2 hộ đều mua sắm máy hút, máy múc, xe tải và san ủi tập kết thành bãi chứa với hàng nghìn khối cát chờ sẵn để bán. Nơi đây giờ đã trở thành những ao, hồ rộng lớn lên đến hàng chục ha. Chị P. một người dân sống gần khu vực khai thác cát than vãn: “Khu vực này trước đây rất yên ổn, đất đai bằng phẳng, trồng rau màu rất phát triển. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, hoạt động khai thác cát rầm rộ đã biến khu vực này thành những ao, hồ sâu hàng mét. Cứ đến mùa mưa, tình trạng sụt, lún ở khu vực này rất nguy hiểm. Cứ đà khai thác này chẳng bao lâu nữa những nhà dân xung quanh sẽ trôi xuống hồ cát. Bên cạnh đó, xe tải ra, vào chở cát chạy ngày, đêm huyên náo xóm làng, làm hư hại đường xá”.
Chính quyền không biết ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Xuân Phúc, Chủ tịch UBND xã Vạn Lương thừa nhận, tình trạng khai thác cát trên địa bàn xã diễn ra từ khoảng năm 2000 trở lại đây. Ban đầu người dân khai thác nhỏ lẽ, dùng xe trâu, bò để chở cát về xây nhà, rồi sau đó cát có gia nên quy mô khai thác diễn ra rầm rộ. “Trước đây, chúng tôi có lập đội liên ngành để kiểm tra, xử lý, nhưng do lực lượng mỏng, trong khi các đối tượng khai thác cát lén lút vào những nghỉ nên chúng tôi không thể quản lý nổi”, ông Phúc lý giải.
Khai thác cát ngay sát nhà dân
Theo điều tra của chúng tôi, hiện UBND xã Vạn Lương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực này cho 2 hộ dân là ông Nguyễn Cư và Nguyễn Tấn Phúc (cùng thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) với mục đích sử dụng trồng cây hàng năm. Tuy nhiên, 2 gia đình này lại không thực hiện đúng mục đích sử dụng đất đã được cấp, mà khai thác cát bán ra thị trường thu lợi nhuận. Để việc khai thác cát được thuận lợi, ông Nguyễn Cư và ông Nguyễn Tấn Phúc đã mua sắm máy móc, thuê nhân công ngày đêm khai thác với quy mô lớn.
Không chỉ khai thác cát công khai trên diện tích đã được cấp sổ trồng cây hàng năm, ông Nguyễn Cư và ông Nguyễn Tấn Phúc còn mua thêm những phần đất ruộng của những hộ dân lân cận để khai thác. Ông Cư cho biết: “Ban đầu gia đình chỉ có khoảng 500m2, nhưng đến nay đã có hơn 1ha. Có được diện tích này là do gia đình bán cát, tích cóp mua thêm. Chúng tôi khai thác cát đã hơn 3 năm nay và không được chính quyền địa phương cấp phép khai thác. Trước đây UBND xã có xuống nhắc nhở 1, 2 lần nhưng sau đó một thời gian không thấy họ nói gì nữa nên chúng tôi vẫn tiếp tục khai thác. Nếu chính quyền địa phương yêu cầu san lấp thì chúng tôi sẻ san lấp ngay”. Còn ông Nguyễn Tấn Phúc cho biết: “Gia đình hiện có hơn 16.000m2. Chúng tôi lấy cát nhằm tận thu nguồn lợi sẵn có, rồi sau đó chở đất về san lấp để trồng dừa. Chúng tôi khai thác cát đã nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương không cấm và nghỉ địa phương cho phép nên đầu tư máy móc để khai thác”.
Do khai thác cát ảnh hưởng đến nguồn nước trong khu dân
Cả ông Nguyễn Cư và ông Nguyễn Tấn Phúc đều lý giải việc khai thác cát chủ yêu là nhằm mục đích cải tạo, thay đổi nền đất để thuận lợi cho việc trồng trọt do đất kém màu mỡ. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ diện tích khoảng 10ha đã và đang bị khai thác cát không thể trồng trót được. Bởi, toàn bộ diện tích này đã trở thành ao, hồ sâu hàng mét. Nước thải sinh hoạt tích tụ lâu ngày bốc mùi hôi thối.
Còn việc khai thác cát ở dưới chân đê hồ Hoa Sơn (khu vực thuộc thôn Tây, xã Vạn Phước) cũng diễn ra nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương cũng không ngăn chặn. Hàng ngày, hàng giờ “cát tặc” công khai hoạt động để tận thu lợi nhuận không mất tiền mua, không phải đóng thuế và không bị sự ngăn cấm. Theo lãnh đạo xã Vạn Phước, trước đây khu vực này là bãi chứa vật liệu để xây dựng hồ Hoa Sơn. Sau khi hồ xây xong thì diện tích này bị bỏ hoang. Tuy đất nằm trong địa phần của xã nhưng lại không thuộc thẩm quyền xã quản lý, sử dụng. Khu vực này tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp quản để làm Trạm công nghệ sinh học nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng đã nhiều năm nay vẫn chưa cải tạo, sử dụng. Chính vì thế, “cát tặc” lợi dụng để khai thác cát.
Ông Lê Văn Khải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh cho biết: "Hiện nay trên địa bàn huyện không có địa điểm nào được cấp phép khai thác cát. Trước nhu cầu lớn, cùng với lợi nhuận cao nên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn huyện. Các đối tượng khai thác dùng mọi thủ đoạn, lén lút khai thác nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Chính quyền các xã là đơn vị trực tiếp quản lý, nếu họ không báo cáo thì chúng tôi không thể nắm bắt được để có phương án xử lý. Do đó, địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép là do địa phương đã buông lỏng quản lý” .
Ẩn họa khó lường
Khi chúng tôi hỏi về tình trạng khai thác cát đang diễn ra dưới chân hồ Hòa Sơn, ông Khải quả quyết: “Dưới chân hồ Hoa Sơn làm gì có cát. Trước đây chỉ có một vài hộ dân lấy đất màu chứ không có tình trạng khai thác cát”. Tuy nhiên khi chúng tôi đưa các bằng chứng, hình ảnh về tình trạng khai thác cát đang diễn ra công khai, rầm rộ tại đây, ông Khải thốt lên: “Thật không thể tin nỗi tình trạng khai thác cát đang diễn ra như vậy. Chính quyền xã Vạn Phước không báo cáo cho chúng tôi biết để có phương an xử lý. Đây là một vấn đề khá hệ trọng, nếu để kéo dài sẽ để lại hậu quả khôn lường”.
Sử dụng máy múc cát dưới chân đèo Hoa Sơn
Vì lợi nhuận trước mắt, các đối tượng khai thác cát đã hút cát làm cho một số điểm bờ ruộng lúa xung quanh bị sụt, lún, rạn nứt. Đặc biệt, điều mà người dân ở thôn Tây (xã Vạn Phước) lo lắng là nếu tình trạng khai thác cát dưới chân hồ Hoa Sơn không được ngăn chặn thì sẽ làm sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ vở đê hồ Hoa Sơn vào mùa mưa lũ. Tình trạng khai thác cát tại đây đã được người dân phản ánh nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng không được giải quyết.
Còn tại xã Vạn Lương, hoạt động khai thác cát trái phép đã để lại nỗi đau thương cho một số gia đình ở đây. Bà H. một người dân thôn Tân Đức Tây (xã Vạn Lương) cho biết: “Việc khai thác cát đã tạo ra các ao, hồ sâu nên có nhiều người dân tìm đến đánh bắt cá. Cách đây khoảng 5 năm, có một người dùng điện bắt cá đã bị giật chết. Rồi năm 2013, có một cháu nhỏ trong xã ra đây nghịch cát bị tụt chân rơi xuống hồ chết đuối”. Bên cạnh đó, do việc hút cát diễn ra liên tục làm cho nguồn nước ngầm ở thôn Tân Đức Tây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kiếm tra nước giếng của các hộ dân ở trong thôn, chúng tôi thấy nước có mù hôi rất khó chịu. Bà H cho hay: “Nước giếng bị ô nhiễm, để sinh hoạt, hàng ngày chúng tôi phải đi vào thị trấn Vạn Giã để mua nước. Tuy gia đình tôi đã xây bể lọc nhưng vẫn không sử dụng được”. Cũng theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát đã làm sụt, lún hàng loạt mồ, mã của người dân chôn cất nhiều năm nay ở khu vực này...
Tình trạng khai thác cát trái phép vẫn đang ngày, đêm diễn ra rầm rộ tại huyện Vạn Ninh. Thiết nghĩ, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương, không sớm, muôn sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Mới đây, tại buổi làm việc với xã Vạn Phước (Vạn Ninh), ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát chuyển diện tích đất dưới chân hồ Hoa Sơn cho UBND xã Vạn Phước quản lý để giao người dân trồng trọt, canh tác. Tuy nhiên, chỉ cho trồng cây ngăn ngay, để khi cần lấy đất làm Trạm công nghệ sinh học nuôi trồng thủy sản tránh ảnh hướng đến người dân.
Ông Lê Văn Khải cho biết: Trước nhu cầu cát lớn hiện nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu những vị trí phù hợp để tham mưu cho UBND huyện trình UBND tỉnh cấp phép một số điểm được khai thác. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới có cơ sở để xử lý triệt để những điểm khai thác trái phép.