THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:51

Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk: Thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk nhận phụng dưỡng Bà mẹ VNAH.


Chu đáo với gia đình chính sách, người có công

Trong những năm qua, chế độ chính sách đối với TB-LS và người có công trong địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục được hoàn thiện cả về tiêu chuẩn, chế độ và cơ chế, thủ tục, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chính sách đối với người có công. Do đó đã giải quyết dứt điểm những tồn tại trong việc thiết lập hồ sơ xác nhận người có công để hưởng chế độ ưu đãi.

Toàn tỉnh hiện đang quản lý gần 50.000 đối tượng chính sách có công, trong đó có 13.000 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đều có kế hoạch cụ thể về công tác Đền ơn đáp nghĩa, đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đưa ra các chủ trương, chỉ đạo kịp thời trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Chính nhờ những nỗ lực này nên đã có 184 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. 100% bà mẹ VNAH được chăm sóc phụng dưỡng suốt đời, các gia đình TB-LS được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có cuộc sống ổn định và phát triển. Hàng năm luôn tổ chức đưa các đoàn chính sách đi tham quan phía Bắc, phía Nam và gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa các đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng và điều dưỡng tại gia đình. Các ngày lễ, Tết đều động viên và tặng quà kịp thời. Công tác quản lý hồ sơ và chi trả trợ cấp cũng được thực hiện nhanh gọn, đúng quy định. 

Thăm hỏi động viên người lao động.

Để nâng cao nghiệp vụ chăm sóc người có công tốt hơn, ngành LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ TB-LS, các quy trình thủ tục giải quyết chế độ chính sách được tuyên truyền sâu rộng đến tận xã, phường. Tại các xã còn xây dựng tủ sách pháp luật giúp người dân nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước để thiết lập hồ sơ giải quyết kịp thời và đúng quy định. Theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk: “Các công việc của ngành luôn cần sự tận tâm của từng cán bộ, nhân viên, nhất là công tác người có công. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 37,2 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ; đã hỗ trợ xây dựng 915 căn nhà tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 637 căn nhà; trao tặng 481 sổ tiết kiệm cho các đối tượng. Bên cạnh đó Sở còn vận động nhiều kênh khác nhau cùng tham gia giúp đỡ người có công với cách mạng. Thực tế, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Đắk Lắk luôn là một trận tuyến trọng điểm của Tây Nguyên. Nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt đã diễn ra, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Nhiều năm nay, tại tỉnh, công tác đền ơn đáp nghĩa đi sâu vào cuộc sống. Đảng và Nhà nước luôn thể hiện sự tri ân đối với những gia đình có công với cách mạng bằng những việc làm mang ý nghĩa thiết thực nhất”.

Đẩy mạnh đào tạo nghề để giảm nghèo

Công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được xem là mũi nhọn, giúp cho chất lượng cuộc sống được cao hơn. Riêng năm 2016, tỉnh đã tổ chức 81 lớp với 2.831 người tham gia học nghề (dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.197 người; nữ là 1.189 người), đạt 33,3% kế hoạch. Trong đó, nghề phi nông nghiệp mở 28 lớp với  980 học sinh học nghề (DTTS: 760 người; nữ: 613 người). Nghề nông nghiệp mở 22 lớp với 761 học sinh học nghề (DTTS: 695 người; nữ: 337 người). Luật Giáo dục nghề nghiệp và các chính sách mới tạo nhiều cơ chế tích cực cho sự nghiệp đổi mới toàn diện của hoạt động đào tạo nghề. Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 thực sự như một động lực mạnh góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tìm đầu ra trong giải quyết việc làm cho người dân  nông thôn. Ngay từ bây giờ, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang nỗ lực, vừa đẩy nhanh tiến độ dạy nghề vừa đả thông tư tưởng cho nông dân để họ hiểu rõ được vai trò quan trọng của học nghề, xác định được nghề cần học và địa điểm học nghề”. Bên cạnh việc làm trên, Đắk Lắk còn trang bị cho các cán bộ cấp xã kiến thức “ba biết”: Biết được nhu cầu việc làm ở địa phương, biết được chính sách và nhiệm vụ của người học, biết được cơ hội việc làm để hướng dẫn cặn kẽ cho người học.

Nhiều buôn làng vùng sâu đã ấm no nhờ học nghề.

Hiện nay, ở Đắk Lắk, trung bình mỗi năm có hàng ngàn LĐNT học nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. LĐNT làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất đối với khoản vay để học nghề…Như vậy, nếu trước đây, dạy nghề cho LĐNT còn nặng tính  “hướng cung” - tức là mới mang những nghề mình có dạy cho bà con. Còn nay, Đề án 1956 với việc đi sâu vào cuộc sống đã mở ra cơ hội lớn hơn cho người nông dân, họ sẽ được “hướng cầu” - tức là sẽ được học những nghề gì mà mình thích, mình cần để phục vụ cho quá trình hiện đại hóa buôn làng.

Bảo đảm an toàn lao động

 Công tác giám sát bảo đảm an toàn lao động trong nhiều năm nay cũng được Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk nỗ lực thực hiện. Theo ông Nguyễn Quang Trường, để thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ - PCCN, thời gian tới ngành sẽ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, PCCN và quy định về bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về an toàn lao động và PCCN, khuyến khích các doanh nghiệp tự kiểm tra theo hướng dẫn, tự phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định về ATVSLĐ - PCCN. Người lao động cũng cần tự bảo vệ bằng cách chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATVSLĐ - PCCN, tránh để xảy ra tai nạn, rủi ro cho bản thân.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chú trọng.

Nếu có rắc rối liên quan đến vấn đề khiếu nại cần tìm đến Thanh tra lao động của Sở LĐ-TB&XH để được hướng dẫn giải quyết. Bên cạnh đó hệ thống tuyên truyền về pháp luật lao động đã về đến tận các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng. Đối với nhiều ngành nghề nguy hiểm, dễ gây tai nạn như nghề hàn - tiện thì cần trú trọng an toàn lao động cao hơn. Đối với các máy móc, thiết bị phục vụ trong quá trình hàn, cắt kim loại phải thường xuyên kiểm tra độ an toàn và thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ. Chính vì các giải pháp đồng bộ, quyết liệt này đã góp phần quan trọng vào việc kéo giảm tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Đ.H

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh