THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:44

Sở LĐ-TB&XH các tỉnh miền trung tổng hợp thiệt hại để có các phương án hỗ trợ kịp thời

 

Thiệt hại nặng nề về người và của
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc, từ ngày 13 đến ngày 16/10/2016, trên địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có tổng lượng mưa từ 200 - 300 mm; tại Nghệ An tổng lượng mưa từ 100- 250mm; tại Quảng Bình, Hà Tĩnh tổng lượng mưa từ 400- 600 mm, nhiều khu vực mưa trên 800mm, đặc biệt ở Mai Hóa (Quảng Bình) mưa 949mm.

 

 

Mưa lớn đã làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình đã đạt đỉnh (xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 2010 tại Hà Tĩnh và năm 2007 tại Quảng Bình), lũ hạ nguồn tiếp tục lên, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi. Mưa lũ đã gây ngập úng trên diện rộng, nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt; nhiều tuyến đường bộ và đường sắt Bắc Nam bị ngập, gây cản trở, ách tắc giao thông.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra tính đến ngày 17/10 đã có 25 người chết (Quảng Bình: 18 người; Nghệ An: 2 người; Hà Tĩnh: 2 người; TT – Huế: 2 người; Quảng Trị: 1 người); 08 người mất tích (Quảng Bình: 7 người; Hà Tĩnh: 1 người); và 18 người bị thương (Quảng Bình: 13 người; Quảng Trị: 3 người; TT – Huế: 2 người).

Thiệt hại về nhà ở, có đến 7 nhà bị sập hoàn toàn (Quảng Trị: 1 nhà; TT – Huế: 6 nhà); 100.383 nhà bị ngập (Quảng Bình: 71.251 nhà; Hà Tĩnh: 24.158 nhà; Nghệ An: 2.835 nhà; Quảng Trị: 1.589 nhà; TT – Huế: 520 nhà; Thanh Hóa: 30 nhà).

Về sản xuất nông nghiệp: 1.598 ha lúa và 9.485 ha hoa màu bị ngập, hư hại (khoảng 20% diện tích lúa mùa muộn chưa thu hoạch và 56% diện tích cây màu vụ Đông đã trồng), gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất của nhân dân.

Cục Bảo trợ cho biết, hiện nay, tại Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nước đã bắt đầu rút, phần lớn diện tích nông nghiệp bị ngập đã được bơm tiêu úng. Riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh, do diện tích ngập lớn, nước lũ chưa rút hết nên nhiều khu vực vẫn bị ngập sâu, hiện vẫn đang tiếp tục bơm tiêu.
Quảng Bình đang rà soát, dự kiến đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo

Theo đó, công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ đã được gấp rút triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện số 1826/CĐ-TTg ngày 15/10 về việc khắc phục mưa lũ tại miền trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua ngay sau khi lũ rút, trong đó huy động lực lượng tại chỗ tập trung tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, bị rét; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bảo đảm hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh do lũ; tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp để sớm đưa học sinh trở lại trường, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, khôi phục sản xuất,… Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoãn các cuộc họp chưa thật cấp thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tập trung chỉ đạo ứng phó với bão…

 

 

Chiều ngày 15/10 đoàn công tác do của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã đi chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai,Uỷ ban QGTKCN đã ban hành các công điện số 27, 29/CĐ-TW đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các Bộ, ngành tổ chức triển khai ứng phó với mưa lũ.

Về phía Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết: “Cục đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tổng hợp diễn biến, thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ, nắm bắt nhu cầu trợ giúp để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các phương án hỗ trợ kịp thời”.

Về phía địa phương, UBND các tỉnh Quảng Bình Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã có các công điện đề nghị các địa phương, các sở ban, ngành tập trung ứng phó với mưa, lũ, tổ chức các đoàn công tác xuống nắm tình hình tại địa phương, thăm hỏi các gia đình có người bị nạn, bám sát cơ sở, đôn đốc triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn và các biện pháp ứng phó với mưa, lũ; tập trung huy động các lực lượng giúp nhân dân khắc phục nhà cửa, ổn định đời sống.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình đã huy động lực lượng bộ đội di dời 1.856 hộ dân đến nơi an toàn. Tiếp cận và hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống cho cán bộ và hành khách trên tàu bị ách tắc, triển khai bơm tiêu úng cho các khu vực bị ngập sâu.
Một số đơn vị như Hội Chữ thập đỏ, MTTQVN bước đầu đã huy động nguồn lực để hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ.

Theo đó, ông Hồi cho biết, Cục bảo trợ xã hội đề xuất các địa phương bị thiệt hại khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ. “Hiện nay mới chỉ có tỉnh Quảng Bình đang rà soát, dự kiến đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ”, ông Hồi thông tin.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh