Quảng Ngãi với công tác đền ơn đáp nghĩa
- Người có công
- 02:37 - 26/07/2017
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương; trong 5 năm qua (2012 - 2017) Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai kịp thời công tác xác nhận, giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công, kết quả đã có trên 24 ngàn lượt người được giải quyết hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, đặc biệt có trên 3.600 cá nhân được tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”... nâng tổng số người có công toàn tỉnh lên khoảng trên 180 ngàn người, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Hiện có trên 50 ngàn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng.
Bên cạnh công tác xác nhận, tỉnh đã thực hiện kịp thời công tác chi trả các chế độ trợ cấp ưu đãi; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần gia đình người có công. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 8,7 tỷ đồng để cùng với nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.981 căn nhà ở cho hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền huy động trên 97,7 tỷ đồng đã giúp họ có chỗ ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tỉnh Quảng Ngãi cũng dành sự quan tâm đặc biệt và đã phát triển thành một chương trình lớn, đó là nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, toàn tỉnh có 6.239 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả các Mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến suốt đời, tặng nhà tình nghĩa, thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà vào các dịp lễ, tết, chăm sóc lúc ốm đau; hầu hết các Mẹ đều có nhà ở ổn định, vững chắc; các huyện Bình Sơn, Đức Phổ đã huy động để xây dựng công trình “Nhà ghi ơn Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để ghi tên các Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện…
Để nâng cao sức khỏe đối với người có công và thân nhân của họ, từ năm 2012 đến nay, bình quân hàng năm tỉnh đã thực hiện mua trên 40.000 lượt thẻ bảo hiểm y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, với tổng số tiền trên 9,4 tỷ đồng/năm; tổ chức điều dưỡng cho trên 24 ngàn lượt người có công và thân nhân, với tổng số tiền trên 28,8 tỷ đồng/năm. Phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng tổ chức tặng chân giả modula chất lượng cao cho các thương binh của tỉnh…
Ngoài chính sách, chế độ của Nhà nước quy định, hàng năm tỉnh trích ngân sách trên 35 tỷ đồng để tổ chức đi thăm, tặng quà đối với hộ gia đình người có công nhân dịp lễ, tết cổ truyền dân tộc, ngày 27/7; tổ chức Lễ đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ và thắp nến tri ân ở tất cả 116 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh; quyết định công nhận 157/184 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công[1]; tổ chức đưa người có công và thân nhân liệt sĩ đi viếng Lăng Bác Hồ, tham quan... Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được cải thiện, hiện có 95% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng nơi cư trú.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu sửa nghĩa trang, Đền/đài tưởng niệm liệt sĩ cũng được tỉnh chăm lo chu đáo; các hoạt động bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang được thực hiện chu đáo, trang nghiêm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tỉnh đã thực hiện xây dựng, nâng cấp gần 61 công trình ghi công liệt sĩ và nâng cấp hàng ngàn phần mộ liệt sĩ với tổng kinh phí trên 90,7 tỷ đồng, một số công trình trở thành công trình văn hoá có giá trị mỹ thuật, giáo dục truyền thống như Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ, Đền Tưởng niệm liệt sĩ huyện Sơn Tịnh…; thực hiện lấy trên 200 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ.
Trong công tác quản lý chi trả trợ cấp đối với người có công và thân nhân của họ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ tỉnh đến huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn cơ bản đã thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng kỳ, đủ số và đến tận tay người được hưởng trợ cấp; công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” từng bước được thực hiện chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả, giúp giải quyết các thủ tục, chế độ, chính sách cho người có công được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian đi lại, không gây phiền hà đối với nhân dân; công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện sai sót trong thực hiện chính sách người có công luôn được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện thường xuyên.
Đó là những kết quả của sức mạnh tổng hợp, kết hợp ý chí, chủ trương của Đảng và Nhà nước với quần chúng nhân dân trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, có ý nghĩa giáo dục truyền thống hết sức sâu sắc, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tỉnh nhà.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và phong trào chăm sóc người có công, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; đặc biệt, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hoàn thành việc xác nhận thương binh và liệt sĩ còn tồn đọng. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động toàn xã hội cùng tham gia chung tay góp sức chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của gia đình người có công, triển khai phong trào chăm sóc người có công một cách sâu rộng, mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị.